Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) hoan nghênh Bộ Xây dựng đã cầu thị, tiếp thu nhiều ý kiến góp ý và đã sửa đổi, bổ sung vào Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) mới đây khi không còn sử dụng các khái niệm gây tranh cãi như sở hữu nhà chung cư có thời hạn, hoặc gia hạn thời hạn sở hữu nhà chung cư như trong các Dự thảo trước đây.
Thế nhưng, Dự thảo mới này lại thay thế bằng các quy định về quyền sở hữu nhà chung cư chấm dứt khi có thông báo phá dỡ nhà chung cư hoặc UBND cấp tỉnh thông báo về việc phá dỡ nhà chung cư thì quyền sở hữu ghi trong Giấy chứng nhận đã cấp cho các chủ sở hữu nhà chung cư không còn giá trị pháp lý, hoặc xử lý nhà chung cư khi chấm dứt quyền sở hữu.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng Dự thảo của Bộ Xây dựng đưa ra cần phải được tiếp tục xem xét thận trọng các quy định này để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật.
Đồng thời, quy định đó đáp ứng đúng nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của đa số người dân mong muốn được sở hữu nhà chung cư không xác định thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài và để cho các chủ sở hữu nhà chung cư yên tâm, không làm phát sinh tâm lý bất an trong xã hội.
HoREA đề nghị Dự thảo Luật nhà ở sửa đổi chỉ nên quy định xác lập quyền sở hữu nhà chung cư không xác định thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài hoặc quyền sở hữu nhà chung cư có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất có thời hạn. Ảnh minh họa: QH |
Hiện nay, cả nước có hơn 4.500 khu nhà chung cư tại các đô thị. Riêng TP.HCM có hơn 1.569 khu nhà chung cư với hơn 2.550 tòa nhà (block) với hàng trăm ngàn căn hộ nhà chung cư, trong đó có 474 khu nhà chung cư xây dựng trước 1975.
Hiệp hội nhận thấy, nếu Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư khi UBND cấp tỉnh thông báo phá dỡ nhà chung cư và quy định xử lý nhà chung cư khi chấm dứt quyền sở hữu sẽ tác động bất lợi đến sự nghiệp đô thị hóa theo định hướng quy định tại khu vực nội thị thuộc đô thị loại đặc biệt, đô thị loại 1 thì chủ yếu phát triển nhà chung cư.
Vì thế, theo ông Châu, HoREA kiến nghị chọn phương án là không quy định chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư khi UBND cấp tỉnh thông báo phá dỡ nhà chung cư.
“Dự thảo Luật nhà ở sửa đổi chỉ nên quy định xác lập quyền sở hữu nhà chung cư không xác định thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài hoặc quyền sở hữu nhà chung cư có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất có thời hạn. Và quy định các trường hợp phá dỡ nhà chung cư để xây dựng lại nhà chung cư tại Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật”- lãnh đạo HoREA góp ý.