Theo ông Trần Văn Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, ngày 16-5, đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy kiểm tra tình hình xây dựng không phép tại xã Vĩnh Lộc A. Khi đoàn vừa đến kiểm tra một công trình xây dựng thì bị năm người chống đối và đe dọa. “Cũng may chúng tôi phản ứng nhanh không thì cũng kẹt”.
Ông Nam thông tin tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác của Thành ủy về tình trạng xây dựng trái phép ở huyện Bình Chánh ngày 17-5 như trên.
Ông Trần Văn Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: VIỆT HOA
Qua nhiều buổi làm việc với huyện Bình Chánh, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cho biết hiện nay huyện Bình Chánh còn hơn 5.700 trường hợp xây dựng không phép tồn tại qua nhiều thời kỳ. Cộng với số căn nhà xây dựng không phép hiện nay chưa được xử lý thì còn tồn khoảng hơn 10.000 căn.
Cùng với đó, một thực trạng cũng được nêu ra tại buổi làm việc là hiện nay, có khoảng 80% quyết định cưỡng chế công trình vi phạm bị tồn đọng, chưa được thi hành.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cũng nhận định tình hình vi phạm trật tự xây dựng ở Bình Chánh rất nhiều nhưng số liệu báo cáo của huyện chưa sát với thực tế. “Nhiều căn nhà xây không phép nằm sát ngay trụ sở UBND ấp và ngay mặt tiền đường Lê Thị Dung, ấp 4, được xây dựng trong suốt một thời gian nhưng vẫn cứ tồn tại mà không bị phát hiện, xử lý” - ông Nam cho hay.
Trao đổi với PLO, Bí thư xã Vĩnh Lộc A, ông Trần Ngọc Dung cũng cho biết dịp tết vừa rồi, chính ông cũng bị các đầu nậu nhắn tin đe dọa sau khi đi kiểm tra tình hình thực tế. Tin nhắn với nội dung “thích ăn tết hay ăn a-xít”.
Tại buổi làm việc, ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, thông tin hiện nay huyện đã rà soát và lên danh sách được 38 đầu nậu đang hoạt động tại xã Vĩnh Lộc A. Ông Lữ gọi đây là những “vòi bạch tuộc” trong hoạt động phân lô, bán nền đất nông nghiệp trái phép.
Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Phú Lữ gọi đầu nậu là những "con bạch tuộc". Ảnh: VIỆT HOA
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đặt vấn đề, để các đầu nậu này hoạt động được phải có sự tham gia tiếp tay của một số cán bộ ấp và không loại trừ cả cán bộ trong chính quyền xã.
Ông đặt vấn đề: Để xảy ra tình trạng xây dựng không phép ở Bình Chánh lâu nay đã có nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật, tại sao 38 đầu nậu này không ai xử lý? Tại sao chưa tìm được manh mối, các cơ quan chức năng cần phải xem lại chính mình?
"Nhiều công trình vi phạm nằm sát bên trụ sở UBND ấp nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại, hệ thống chính trị gần như bị tê liệt. Chúng ta không trực tiếp tiếp tay cho vi phạm nhưng làm ngơ cho vi phạm cũng chính là gián tiếp tiếp tay cho hành động này” - ông Hoan nói.
Ông Hoan cho rằng đầu nậu chính là đối tượng phá rối chính sách, chuyên gây rối trật tự, vừa lôi kéo người dân có đất nông nghiệp “bán lúa non”, vừa lôi kéo người dân mua nhà, đất vi phạm để trục lợi. Ông giao huyện Bình Chánh phải nhận diện, làm rõ các đối tượng vi phạm, xử lý đúng và trúng, rà soát pháp lý cụ thể, nếu đủ điều kiện thì có thể đưa ra xét xử hình sự.
Phải làm rõ sự tiếp tay của cán bộ Xã Vĩnh Lộc A có 38 trường hợp làm môi giới, làm cò đất. Cơ quan chức năng đã lập biên bản chưa, đã mời lên làm việc chưa? Một xã mà “lực lượng nòng cốt” trong phân lô và xây dựng trái phép là đầu nậu chuyên đi môi giới vẫn tồn tại công khai, có cả hiện tượng tổ trưởng tổ nhân dân ấp tiếp tay làm thủ tục luôn, rồi có cả nhà mẫu thì đó là cả một công nghệ. Những công nghệ này đang tồn tại cả nhưng lực lượng chức năng biết không? Nếu biết thì tại sao vẫn tồn tại? Nếu không có sự tiếp tay của cán bộ thì tại sao vẫn làm được? Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân. |