Trên chuyến tàu hỏa muộn từ Sài Gòn về Quy Nhơn đón Tết, nghe cánh lái tàu chuyện trò, tôi bỗng thấy ngậm ngùi.
Dưới đây là những câu bông đùa tếu táo của những nhân viên tàu hỏa khiến người nghe như thấy chạnh lòng.
- "Anh Thành này, anh đã gọi điện thoại cho vợ chưa? - anh Trìu (người có thâm niên tám năm tiếp viên tàu hỏa, nhờ tháo vát nên vừa lên phó tàu) hỏi đồng nghiệp.
- "Gọi làm gì, hôm qua mình mới ở nhà ba tiếng rồi" - anh Thành (50 tuổi, đã có nửa số tuổi lăn lóc trên tàu) trả lời.
- "Ơ, thế anh không nhớ hôm nay ngày 14-2, ngày tình nhân à?".
- "Ừ nhỉ! Mà thôi, nhân nhiếc gì, vẽ chuyện, mai 30 Tết rồi. Anh em mình mấy ngày rày lo đi tàu có tiền thưởng Tết thì ngày nào cũng là Valentine hết. Thế cậu hôm qua có “tranh thủ” với vợ được chút gì không?".
- "Tàu về muộn, mệt quá anh ơi. Ăn vội chén cơm là em lại chạy ra ga ngay cho kịp giờ tàu chạy, chả kịp “làm ăn” gì. Anh em mình thời gian này chạy bắt giò lên cổ không kịp, anh biết quá rồi còn hỏi khó em!".
Mấy anh em đi tàu ngồi uống trà tán dóc, cười đùa rôm rả. Mùa tàu Tết, xí nghiệp tăng từ sáu đôi tàu mỗi ngày lên gấp đôi số tàu khu đoạn, người vẫn thế, không tăng nên gần như anh em phải đi suốt.
Trưởng tàu Cao Minh Đức ngồi lơ đãng nhìn xa xăm, người lắc lư theo nhịp bánh sắt, nghe không sót câu nào.
Đức cười nhẹ: “Anh em mình hay nói với nhau rằng làm cái nghề này, mấy dịp lễ, Tết có ở nhà hay không là... hên xui".
Đức kể năm nay chẵn 10 năm anh mới đón giao thừa ở nhà. Vài năm đầu có lúc tàu chạy đến Biên Hòa là giao thừa, có khi Quy Nhơn, Nha Trang. Thấy người ta bắn pháo bông rộn rã, có thời khắc tàu đang đi vào một đường hầm xuyên núi nào đó, tối hù.
"Năm nay may mắn, tàu của mấy anh em mình quay lại Sài Gòn đêm 30 Tết. Về nhà chơi giao thừa với vợ con, đến trưa mùng 1 mấy anh em mình mới đi lại. Cu nhà mình sắp sáu tuổi. Mấy năm đầu mới cưới, bà xã vò võ một mình, giờ đỡ rồi. Mấy anh em mình ai cũng có con nhỏ. Bố cả năm đi tàu. Tết đi nhiều hơn, nhớ con lắm mà biết sao giờ” - Cao Minh Đức kể.
Những chuyện hỏi han, bông đùa của cánh nhà tàu khiến người nghe thấy chạnh lòng. Trong ảnh: Anh Thành (trái) và phó tàu Trìu. Ảnh: CÔNG TUẤN
Những người đón giao thừa trên những sân ga hay trên những cung đường sắt xuyên Việt. Trong ảnh: Trưởng tàu Cao Minh Đức. Ảnh: CÔNG TUẤN
Ngồi hóng hớt mấy câu chuyện vụn vặt của cánh đi tàu lửa, ai cũng nói câu "anh em mình, anh em mình" nghe thương quá!
Phó tàu Trìu nửa ngồi nửa nằm trên giường, đưa mắt nhìn lên trần tàu mơ màng kể: “Con bé nhà em sáu tuổi rồi, cứ hỏi giao thừa bố có nhà không? Lần nào thấy em sửa soạn đồ chuẩn bị ra tàu, nó cũng chỉ hỏi có mỗi câu: "Chừng nào bố về?". Xong nó đếm từng ngày, từng giờ, trễ chút là khóc, gọi điện trách móc bố”.
Trìu ngồi hẳn dậy, nhón ly trà nhấp một ngụm rồi chép miệng sảng khoái: “Anh em mình ăn Tết trên tàu là chuyện quá đỗi bình thường rồi. 11 tháng trước, mỗi tháng đã 16 ngày theo tàu. Tháng Tết là 22-23 ngày, sao mà tránh khỏi. Chỉ tội nghiệp cho hành khách, chắc do không mua được vé, hoặc không sắp xếp được công việc nên mới đi tàu mấy ngày Tết, chứ ai chẳng muốn về quê sớm sum họp gia đình. Mình nhìn khuôn mặt ai cũng buồn xo, chạnh lòng lắm!”.
Trìu kể tiếp: “Năm ngoái, tàu mình từ Nha Trang vào Sài Gòn đêm giao thừa có đúng bảy khách, trong đó có hai ông Tây. Nhân viên trên tàu, tính cả đội cung ứng, đông gấp bốn lần khách. Mình không cần đọc loa chúc Tết nữa, nhờ anh em mời khách xuống hết căn tin tổ chức ăn giao thừa tới 2-3 giờ sáng, vui như... Tết! Hai ông Tây lần đầu tiên ăn Tết ta trên tàu, cứ luôn miệng "thank you, thank you”".
Anh Thành nãy giờ ra hành lang gọi điện thoại, giờ trở lại ngồi im. Đang vui, Trìu tự dưng ghé tai: “Vợ của anh Thành mới sinh con ba tháng. Ảnh đi suốt, lo cho chị cũng chỉ biết gọi điện thoại an ủi thôi”.
Quay sang anh Thành, phó tàu Trìu tếu táo: “Mới chúc vợ Tết tình nhân chứ gì?”.
Anh Thành cười, nhay nháy mắt rươm rướm...
Ngoài kia xuân đang đến gần. Con tàu lắc lư xình xịch xình xịch đưa những người xa quê về nhà kịp đón Tết...