Hai mảng kiến tạo có xu hướng xích lại khoảng vài cm mỗi năm. Chính vì thế mảng kiến tạo Ấn Độ đã trượt dưới mảng kiến tạo Á-Âu, từ đó dãy núi Himalaya mới hình thành.
Khi hai mảng kiến tạo va nhau sẽ phát sinh thiệt hại lớn và Nepal bị ảnh hưởng đầu tiên bởi Nepal nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc, tức giữa hai mảng kiến tạo nêu trên.
Tạp chí Slate dẫn nguồn từ Báo cáo Động đất năm 2011 đã từng lưu ý từ năm 1255 đến nay, Nepal đã từng hứng chịu chín động đất lớn, tức trung bình cứ mỗi 75 năm lại xảy ra một trận động đất lớn. Gần đây nhất là động đất năm 1934 mạnh 8,3 độ Richter phá hủy ba thành phố lớn trong thung lũng Kathmandu (Kathmandu, Patan và Bhaktapur). 10.000-20.000 người thiệt mạng, trong đó có hơn 8.500 người chết tại Kathmandu.
Nếu căn cứ số liệu thì khả năng xảy ra động đất ngày 25-4 là điều hoàn toàn có thể tiên đoán thì hai trận động đất gần nhất cách xa nhau đã 81 năm. Tạp chí Time (Mỹ) ngày 3-2-2011 đã có bài viết dẫn lời các chuyên gia ghi nhận động đất mạnh như trận động đất năm 1934 nếu xảy ra ở Nepal có thể làm 100.000 người chết, 200.000 người bị thương và 50% trong 2,5 triệu dân ở Kathmandu phải sơ tán.
Năm 2005, báo The Economist(Anh) đã từng giải thích thủ đô Kathmandu nằm trong thung lũng vốn là lòng hồ cũ, do đó nếu có động đất sẽ dẫn đến rung chấn rất mạnh. Báo mô tả trong động đất năm 1934, mặt đất uốn lượn như sóng biển. Ngoài nguyên nhân tự nhiên, con người cũng góp phần khiến số thương vong trở nên nghiêm trọng. Báo Le Monde (Pháp) ghi nhận không kể các nhà nghiên cứu, nhiều người dân ở Nepal đều biết rõ động đất lớn trước sau cũng xảy ra. Cuối năm ngoái, ông Kunda Dixit, Tổng Biên tập tuần báo Nepali Times, từng nói: “Cứ mỗi 50 năm động đất lại xảy ra. Chúng tôi lo ngại động đất sắp tới sẽ xảy ra sớm thôi”.
Năm 2010, tạp chí State từng viết: “Nepal chuẩn bị đối phó với động đất rất kém. Các kỹ thuật xây dựng ở Nepal không thích hợp chống động đất và dân cư đô thị ngày càng tăng”. Nội chiến từ năm 1996 đến 2006 cũng là một nguyên nhân khiến Nepal không thể đối phó tốt hơn với nguy cơ động đất.
Tại Kathmandu có đến 93% nhà cửa xây không đúng tiêu chuẩn. UNESCO ghi nhận nhiều nhà cổ ở Kathmandu, trong đó hầu hết các đền chùa được xây dựng bằng gạch nung và bùn với cấu trúc gỗ không bảo đảm tiêu chuẩn. Tổ chức “Các mạng lưới thông tin khu vực tích hợp” (trực thuộc LHQ) đã khẳng định: “Xét về nguy cơ bị thương tích hay thiệt mạng trên đầu người thì thung lũng Kathmandu là nơi nguy hiểm nhất thế giới”. Nguyên nhân do các tiêu chuẩn xây dựng không có hoặc không thích hợp, chính sách phát triển đô thị bấp bênh và dân số tăng nhanh.
D.THẢO