'Dòng tiền sử dụng trong ngày của Vạn Thịnh Phát từ hàng trăm đến hàng ngàn tỉ đồng'

(PLO)- Bị cáo Nguyễn Phương Anh khai dòng tiền cần sử dụng trong hệ thống Vạn Thịnh Phát hàng ngày rất lớn, từ hàng trăm đến hàng ngàn tỉ đồng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 13-3, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo khác về những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan.

Phiên toà tiếp tục với phần xét hỏi của các LS, tập trung xét hỏi các bị cáo Hồ Bửu Phương (phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát); Nguyễn Phương Anh (phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) và Đặng Thị Hoài Tâm (phó trưởng phòng Văn phòng HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) để làm rõ về quá trình giải quỹ để cắt đứt dòng tiền sau khi ngân hàng SCB giải ngân.

Theo đó, bị cáo Hồ Bửu Phương cho biết hoạt động giải quỹ là làm các thủ tục để chuyển tiền ra khỏi tài khoản thụ hưởng mà trước đó ngân hàng SCB đã giải ngân theo phương án vay vốn. Phương cũng cho biết nhiệm vụ thường xuyên là phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính kế toán, kiểm toán và theo dõi các hợp đồng liên quan đến hai công ty là tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Đầu tư Vạn Thịnh Phát.

vạn thịnh phát
Phiên toà tiếp tục với phần xét hỏi của luật sư bào chữa cho các bị cáo. Ảnh: HOÀNG GIANG

"Quá trình làm việc thì có khoảng tám người hỗ trợ và không tham gia vào việc giải quỹ. Còn cáo trạng xác định tham gia vào quá trình giải quỹ là theo chỉ đạo của chị Lan (Trương Mỹ Lan) tham gia vào giải quỹ để hỗ trợ cho Nguyễn Phương Anh. Sau khi tiền giải quỹ ra thông qua các hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần có quay lại hay không và sau đó đi đâu bị cáo cũng không rõ"- Phương nói.

Còn bị cáo Nguyễn Phương Anh khai nhận thực hiện các phương án giải quỹ là thực hiện theo “nếp” cũ đã làm, giờ tiếp tục làm.

LS cũng công bố một phần lời khai của bị cáo Phương Anh tại cơ quan điều tra để thể hiện mục đích của các lần giải quỹ. "Mục đích giải quỹ tuỳ thuộc vào mỗi người trong Vạn Thịnh Phát. Tuy nhiên, theo tôi là vì dòng tiền cần sử dụng trong Vạn Thịnh Phát hằng ngày rất lớn, hàng trăm đến hàng nghìn tỉ đồng...", bị cáo Phương Anh cũng đã xác nhận lời khai này.

LS của Hồ Bửu Phương cũng đặt câu hỏi tại sao khi Phương vắng mặt thì bị cáo không liên hệ với các cấp cao hơn của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát như Tổng giám đốc (Trương Huệ Vân) để thực hiện phương án giải quỹ. Bị cáo Phương Anh cho biết được giao nhiệm vụ liên hệ với Hồ Bửu Phương để thực hiện giải quỹ.

Cáo trạng xác định để hợp thức việc rút tiền đã được ngân hàng SCB giải ngân theo phương án khống, cắt đứt, che giấu dòng tiền, tránh sự phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Anh, Hồ Bửu Phương, Đặng Phương Hoài Tâm, Phan Chí Luân lập phương án thực hiện việc “giải quỹ” bằng việc lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống để có thể sử dụng tiền mà không bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, đồng thời né tránh việc phải nộp thuế theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp với Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung và nhân viên SCB cho các cá nhân được thuê đứng tên người thụ hưởng khoản vay, đứng tên cổ phần… đến ngân hàng ký chứng từ rút, nộp tiền.

Bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB) cho biết trước khi làm Chủ tịch HĐQT thì làm phó Tổng giám đốc khối doanh nghiệp ngân hàng SCB, khi làm Chủ tịch HĐQT thì chỉ được nhận thù lao theo danh sách của đại hội đồng cổ đông.

Bị cáo này cũng khai thêm thời điểm nhận chức vào tháng 12-2020 không được nhận bàn giao kết luận thanh tra của ngân hàng nhà nước (ban hành vào tháng 11-2020) từ Đinh Văn Thành, nếu như biết được và nhận được kết luận thanh tra về những sai phạm của ngân hàng SCB thì đã không nhận chức Chủ tịch HĐQT.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm