Mới khai trương cách đây một tháng nhưng ngôi làng ven biển ở thôn Trung Thanh, xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam đã trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước. Ngôi làng với 120 bức họa nhiều màu sắc rựa rỡ, tươi mới trên 100 tường nhà người dân khiến ai đến tham quan cũng phải ngỡ ngàng. Nườm nượp du khách đến tham quan, chụp ảnh.
Đây là dự án "Giao lưu mỹ thuật cộng đồng Hàn-Việt" do Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc thực hiện với sự hỗ trợ của chương trình định cư con người Liên Hiệp Quốc (UN Habitat). Dự án hoàn thành sau hơn 20 ngày khởi động, do hàng chục tình nguyện viên Hàn Quốc cùng với sinh viên các trường nghệ thuật thực hiện.
Vừa giữ đứa cháu nội vừa luôn tay bán nước cho khách tham quan, ông Thanh, một người dân trong làng, cho biết: “Ban đầu chỉ có vài ba nhà vẽ thôi. Nhà tôi cũng cũ kỹ, mục nát rồi mà chưa có tiền để sửa. Thấy họ nói sơn lại cho sáng sủa, đẹp đẽ thì tôi cũng ưng nên đồng ý tham gia. Họ mở mấy tấm ảnh trên màn hình máy tính rồi cho mình lựa. Mình ưng chi, họ vẽ nấy. Nhà tôi toàn cháu nội nên tôi chọn hình ni. Mấy đứa con trai đánh bóng. Giờ cả làng nhà nào cũng được sơn vẽ, sạch đẹp hẳn ra”.
Ông Thanh và cháu nội.
Bức họa ông chọn để vẽ trên tường nhà chỉ toàn các bé trai vì nhà ông Thanh không có cháu gái.
Không chỉ vậy, những nhân vật ngoài đời thật cũng được các họa sĩ tái hiện bằng bức họa trên chính bức tường của gia đình họ. Ngay đầu làng, một bức họa lớn thu hút sự chú ý của nhiều du khách. Bức họa vẽ gia đình một người thợ may cùng hai con nhỏ. Đó chính là gia đình nhỏ của anh vợ chồng anh Võ Đức (47 tuổi), chị Lương Thị Tường Vy (31 tuổi) và hai con nhỏ Võ Giăng Bôn (tám tuổi), Võ Đa Đa (bốn tuổi).
Gia đình chị Lương Thị Tường Vy được khắc họa trên bức tường ngôi nhà của chị.
Anh Đức bị điếc và khó nói sau một trận ốm nặng. Chị Vy bị liệt tay và chân phải. Họ có hai đứa con, một trai, một gái đẹp như thiên thần. Chị Vy chỉ ở nhà chăm con, một mình anh Đức làm nghề thợ may nuôi sống gia đình.
Từ ngày "làng bích họa" khánh thành, du khách từ khắp nơi đổ về tham quan, gia đình chị Vy bán thêm nước giải khát, tăng thu nhập.
Du khách khắp nơi về làng, dịch vụ ăn uống, cho thuê nón trong làng cũng từ đó mà lên ngôi. Một ly nước cam hay chanh dây, ly chè chỉ 5.000 đồng, nước đóng chai các loại thì 10.000 đồng. Nón thì cho thuê 5.000 đồng/cái, cũng đủ cho dân làng tăng thêm thu nhập khi nghề biển đang rất bấp bênh.
Nhiều du khách thích thú muốn ở lại qua đêm, được người dân nơi đây đón tiếp nồng hậu, rồi họ mua cá, ghẹ tươi mà ngư dân đánh về rồi nhờ dân làng chế biến ăn luôn.
Những ly nước giá chỉ 5.000 đồng cũng đủ giúp người dân nơi đây trang trải cuộc sống.
Nắng nóng ư, có hề chi, dân làng chuẩn bị sẵn nón lá. Du khách chỉ cần thuê với giá 5.000 đồng/nón là có thể ung dung đi dạo, tham quan khắp làng.
Đoàn du khảo bằng xe đạp của các bạn trẻ cũng ghé vào đây.
Bức tranh với hình vẽ của chính chủ căn nhà thu hút khách tham quan.
Du khách chụp hình kỷ niệm dưới biểu tượng dự án hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt nam lại làng Tam Thanh
Tha hồ tạo dáng, chụp ảnh bên những bức tranh dễ thương và khoe... Facebook.
Ú òa, chú người tuyết Oglo xin chào các bạn!
Cổng nhà...
Tường nhà...
Đều biến thành những bức tranh sống động.
Chỉ là tường rào, có cần phải xinh xắn, dễ thương, đầy màu sắc như thế này.