Ngày 13-11, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức hội thảo vấn đề nhà ven kênh rạch trên địa bàn TP.HCM.
Nhiều khó khăn trong bồi thường
Đánh giá những khó khăn trong việc di dời nhà ven kênh rạch, TS Dư Phước Tân, Trưởng Phòng nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển TP cho biết, theo quy định mới đây giá bồi thường phải tiếp cận giá thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế rất khó xác định giá bồi thường sát với giá thị trường.
Trong quá trình triển khai trước đây, đơn cử như đường Bến Vân Đồn có khung giá bồi thường quy định do Nhà nước ban hành là 65 triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường lên đến 100 triệu đồng/m2.
Có nhiều yếu tố tác động đến giá thị trường nên góp phần đẩy giá bồi thường thực tế lên rất cao trong khi khung giá nhà nước quy định thường thấp hơn giá thị trường khá nhiều. Đây cũng là khó khăn khi định giá bồi thường để áp dụng thu hồi đất đai, nhà ở" - TS Dư Phước Tân dẫn chứng.
Một khó khăn nữa được Ths Vương Quốc Trung - Trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển đưa ra là liên quan đến sự hợp tác của các hộ dân giải tỏa di dời của những hộ dân chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý nhà đất.
Qua khảo sát cho thấy, đa số các hộ dân xây dựng, chuyển nhượng nhà, lấn chiếm bất hợp pháp trên và ven kênh rạch nên thường không có hồ sơ pháp lý. Do đó không được bồi thường theo chính sách của Nhà nước, mà chỉ được nhận một phần hỗ trợ của TP.
Linh hoạt trong bố trí vốn
Đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác di dời nhà ven kênh rạch, Ths Vương Quốc Trung đề xuất địa phương và các nhà quản lý đô thị phải nghiên cứu, phân tích chi tiết về vị trí di dời trước khi thực hiện.
Quá trình này bao gồm đánh giá tình hình hiện tại của khu vực ven kênh, xác định những yếu tố cần di dời và ảnh hưởng đến người dân, khu vực thích hợp để tái định cư. Việc nghiên cứu và phân tích chi tiết sẽ giúp xây dựng cơ chế linh hoạt và có hiệu quả hơn trong việc di dời nhà ven kênh.
"Chẳng hạn như vận dụng cơ chế trong Nghị quyết 98 để thực hiện một trong nhiều phương án nhằm triển khai hiệu quả việc di dời nhà trên và ven kênh rạch.
HĐND TP có thể sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những người dân sống ven kênh rạch.
Đồng thời, các quỹ đất sau khi thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng được bán đấu giá để hoàn trả ngân sách TP" - Ths Trung nói.
Một giải pháp nữa được TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM nêu ra là Nhà nước có thể xem xét, lập hồ sơ mới gồm cả phần diện tích đất và diện tích trên mặt nước, hợp thức hóa quyền sử dụng đất cho từng hộ dân. Từ đó thuận lợi hơn cho việc thu hồi, giải tỏa và đền bù khi đến khu định cư mới.
"Việc này TP.HCM đã từng làm đối với những căn nhà xây dựng không phép và không có tranh chấp ở một số khu vực đô thị hóa tự phát. Nếu không thừa nhận thực tế những căn nhà đó do người dân sở hữu đã lâu năm để lập chứng từ mới thì cũng không thể vận động người dân tự nguyện di dời vì họ cảm thấy bị mất trắng căn nhà của mình" - TS Nguyễn Hữu Nguyên nói.
Từ những khó khăn thực tế mà quận 7 gặp phải trong công tác di dời nhà ven kênh rạch, ông Lê Văn Thành, Phó chủ tịch UBND quận 7 cũng đề xuất phương án xây dựng quỹ nhà tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong dự án. Đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch đáp ứng yêu cầu di dời của các hộ dân.
"Cần chú trọng ổn định cuộc sống người dân, đảm bảo nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ. Bên cạnh đó cần nghiên cứu giải pháp bán nhà ở xã hội, cho thuê mua đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện tái định cư, các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo trong dự án" - ông Thành nói.
Di dời nhà ven kênh rạch phục vụ nhiều mục tiêu
Tại hội thảo, ông Phạm Bình An, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP chia sẻ, mặc dù TP đã có nhiều nỗ lực trong việc di dời nhà ở trên và ven kênh rạch nhưng tiến độ triển khai đến nay còn rất chậm. Trong giai đoạn 2016-2020, TP chỉ mới di dời được 2.479 / 20.000 căn, đạt 12,4 % so với chỉ tiêu đặt ra.
"Có thể thấy, nhiệm vụ di dời nhà ven kênh rạch là một nhiệm vụ khó và luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của chính quyền TP.
Nhiệm vụ này không chỉ phục vụ cho chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị mà còn phục vụ việc triển khai thực hiện của 49 chương trình, đề án có liên quan như: Đề án phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020-2045 và kế hoạch triển khai giai đoạn 2020-2025; Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030; Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021-2030" - ông Bình An nói.