Hiện nay, công tác quy hoạch sử dụng đất đai trên thực tiễn còn nhiều hạn chế. Nhiều cao ốc, chung cư cao tầng được xây dựng trong các quận nội thành TP, ảnh hưởng quy hoạch cơ sở hạ tầng về đường điện, hệ thống đường nước, đường nước thải, tăng mật độ xây dựng… dẫn đến quy hoạch treo, khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp. Nhiều vụ khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước tại TAND TP.HCM có nguyên nhân xuất phát từ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Biển cảnh báo của UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh để người dân không xây dựng nhà trái phép trong quy hoạch. Ảnh: VIỆT HOA |
Do đó, tôi cho rằng cần quy định chi tiết về việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngay trong Luật Đất đai (sửa đổi) mà không giao Chính phủ quy định chi tiết việc lấy ý kiến như khoản 5 Điều 68 dự thảo. Đây là sẽ là một trong những căn cứ để tòa án giải quyết trong các trường hợp có phát sinh tranh chấp liên quan đến thu hồi, bồi thường, hỗ trợ hoặc liên quan đến yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Cạnh đó, diện tích đất của các quận, huyện, giữa nông thôn và thành thị không đồng đều, một số địa phương có đơn vị hành chính cấp xã lớn hơn cả cấp huyện nơi khác hoặc có mật độ dân số lớn hơn. Tuy nhiên quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã được lồng ghép vào trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Vì vậy, cần phải có quy định riêng quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã để phù hợp với việc trực tiếp triển khai việc chính sách phát triển kinh tế, xã hội hằng năm.
TP.HCM có mô hình thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương nhưng không có quy định riêng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo có nghiên cứu xây dựng các điều khoản mở để sau này có các quy định mới liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với đặc thù của mô hình thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
Về thu hồi và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trong nhiều năm qua các vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai (thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, giải phóng mặt bằng, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký cập nhật biến động về nhà đất…) là loại việc chiếm đa số trong các khiếu kiện hành chính, không chỉ diễn biến ngày càng phức tạp về nội dung, tính chất mà còn gia tăng về số lượng.
Quá trình giải quyết các vụ án hành chính tại TAND TP.HCM cho thấy, đơn giá bồi thường, hỗ trợ về đất còn quá thấp so với giá đất trên thị trường. Hầu hết trong các vụ án hành chính liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư người khởi kiện đều yêu cầu xem xét quyền lợi liên quan đến chủ trương chính sách của TP như yêu cầu xác định loại đất, xác định diện tích thu hồi, tăng giá bồi thường, bố trí tái định cư tại chỗ, tăng diện tích tái định cư, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp…
Từ ngày 1-10-2021 đến ngày 30-9-2022, TAND TP.HCM đã thụ lý tổng cộng 1.215 vụ, trong đó có 676 vụ liên quan đến khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư chiếm 53,8%. Tổng số vụ án hành chính đã giải quyết 541 vụ, trong đó liên quan đến loại vụ việc trên là 272 vụ tỷ lệ giải quyết 40,23%.
Tuy nhiên, chính sách bồi thường, hỗ trợ như hiện tại vẫn còn nhiều bất cập như: đơn giá chưa phù hợp, thậm chí thấp hơn nhiều lần so với giá trị tài sản bị thu hồi; việc bố trí căn hộ chung cư, hoặc nền tái định cư xa khu vực đông dân sẽ làm ảnh hưởng khó khăn đến đời sống, công việc buôn bán, kinh doanh của người bị thu hồi đất. Cạnh đó, phương án bồi thường có lúc có nơi vẫn còn chưa chi tiết, không “quán xuyến” triệt để mọi tình huống trong dự án dẫn đến việc một số trường hợp không có quy định trong phương án gây khó khăn trong việc áp dụng; quá trình xác định thời điểm sử dụng đất, thời điểm xây dựng công trình còn mâu thuẫn, chưa thống nhất…
Vì vậy, cần có quy định chi tiết về nội dung này ngay trong Điều 94 Luật Đất đai (sửa đổi) về bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất và ở Mục 2, Mục 3, Mục 4 Chương VII về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nên có quy định chi tiết hoặc lượng hóa về tiêu chí “điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” theo khoản 2 Điều 89 Luật Đất đai (sửa đổi).
Cần bổ sung quy định về giá đất có mồ mả trong các nghĩa địa
Về công tác bồi thường đất đang sử dụng làm cơ sở tôn giáo có hai trường hợp. Trường hợp đất làm cơ sở tôn giáo được công nhận đã tồn tại công trình phục vụ mục đích tôn giáo từ trước khi pháp luật về đất đai quy định về tiền sử dụng đất, hoặc đất có nguồn gốc là nhà ở, đất ở hợp pháp, hợp lệ (không phải nộp tiền sử dụng đất khi được công nhận). Và trường hợp đất sử dụng làm cơ sở tôn giáo từ khi có quy định của pháp luật về tiền sử dụng đất, được công nhận nhưng cơ sở tôn giáo không phải đóng tiền sử dụng đất. Cần có quy định cụ thể hai trường hợp trên.
Bên cạnh đó, hiện nay nhiều địa phương vẫn có tình trạng mồ mả, nghĩa địa nằm trong khu vực đất nông nghiệp hoặc trong phạm vi nơi cư trú của hộ gia đình, cá nhân. Vì vậy, cần bổ sung quy định cụ thể về giá đất có mồ mả trong các nghĩa địa hoặc nằm xen cài trong đất nông nghiệp hoặc khuôn viên nhà các hộ gia đình, cá nhân để phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất.