Cần công khai việc thay đổi quy hoạch kế hoạch sử dụng đất

(PLO)- Đại diện Báo Phụ nữ cho rằng khi lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất sẽ công bố công khai nhưng việc thay đổi quy hoạch cũng nên công bố công khai.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm nay (7-3), Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Thành phần tham dự hội thảo là các báo, đài, tạp chí...trên địa bàn TP.HCM.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) và ông Hà Phước Thắng (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) chủ trì hội thảo. Ảnh: YC
Bà Văn Thị Bạch Tuyết (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) và ông Hà Phước Thắng (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) chủ trì hội thảo. Ảnh: YC

Tại hội thảo, đại diện Báo Phụ nữ cho rằng về bảng giá đất nên duy trì 5 năm thay đổi một lần như luật hiện hành. Cạnh đó, khi lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất sẽ công bố công khai nhưng việc thay đổi quy hoạch cũng nên công bố công khai.

Ông Ngô Thái Bình (đại diện Báo Pháp luật TP.HCM) cho rằng trên thực tế khi thu hồi đất vì mục đích an ninh, quốc phòng người dân thường được đền bù thấp hơn khi thu hồi đất vì mục đích thương mại. Người dân mong muốn quyền lợi được ngang bằng nhau dù mục đích thu hồi là gì. Vì vậy, ông đề nghị khi thu hồi đất vì mục đích an ninh quốc phòng hay thương mại thì nên đảm bảo quyền lợi của người bị thu hồi đất là như nhau.

Theo ông Bình, về quy định ghi tên đầy đủ các thành viên của hộ gia đình có quyền sử dụng đất lên giấy chứng nhận (GCN) là hợp lý. Theo ông Bình, việc này sẽ đảm bảo nguyên tắc quyền sử dụng đất (quyền tài sản) của người nào thì cụ thể tên từng người.

Quy định này còn hạn chế khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các thành viên trong hộ gia đình. Bởi nếu chỉ ghi tên chủ hộ hay người đại diện thì đến khi có thủ tục cần thực hiện hay tranh chấp cần giải quyết thì phải thêm bước xác nhận thành viên hộ gia đình như hiện nay. Mà thực tế cho thấy việc xác nhận thành viên của hộ cũng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết các thủ tục liên quan.

Tuy nhiên, theo ông Bình, việc dự thảo trao cho hộ gia đình quyền được lựa chọn hoặc là ghi tên tất cả thành viên hộ, hoặc là ghi tên một người đại diện cho hộ là không nên. Bởi nếu trao quyền như vậy thì sẽ quay lại câu chuyện có GCN ghi tên đầy đủ các thành viên của hộ gia đình, có GCN chỉ ghi tên một người. Điều này không đạt được mục tiêu của chính sách là giải quyết dứt điểm các khó khăn trong việc xác định thành viên hộ gia đình khi thực hiện các giao dịch liên quan sau này…

Vì vậy, ông Bình đề xuất dự thảo nên quy định tất cả các trường hợp đất cấp cho hộ gia đình cần mặc định đều ghi đầy đủ tên thành viên có quyền sử dụng đất của hộ gia đình.

Đại diện Báo Phụ nữ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: YC

Đại diện Báo Phụ nữ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: YC

Đại diện Báo Tuổi trẻ thì cho rằng Luật Đất đai là luật chuyên ngành nhưng lại quy định quá nhiều điều mà luật khác đã có, dẫn đến sự chồng chéo giữa Luật Đất đai và các luật khác. Ông ví dụ như về quy hoạch sử dụng đất đã có trong Luật Quy hoạch, vấn đề xây dựng đã có trong Luật Xây dựng...

Vì vậy, đại diện Báo Tuổi trẻ đề nghị Luật Đất đai chỉ cần quy định hai vấn đề là đất công (do nhà nước quản lý) và đất “tư” do hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp...quản lý được sử dụng như thế nào. Còn những vấn đề khác đã được quy định trong các luật khác.

Ông Lê Công Đồng (Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM) thì cho rằng về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất, cần làm rõ bồi thường thỏa đáng là như thế nào? Cạnh đó, theo ông Đồng hiện nay Luật Đất đai và các văn bản khác như các thông tư đang có sự mâu thuẫn. Vì vậy, ông Đồng cho rằng cần có kênh phản biện từ các Bộ để khi luật thông qua và áp dụng không bị chồng chéo, mâu thuẫn...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm