Móc họng cứu con uống dầu thắp đèn, vô tình hại con nguy kịch

Sáng 23-2, PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết khoa vừa cứu sống một bệnh nhi (15 tháng tuổi, người Ê Đê, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) uống nhầm dầu thắp đèn nguy kịch.

Xuyên Tết cứu bé gái

Trước đó, vào chiều ngày 7-2, cách nhập viện khoảng 1 giờ đồng hồ, bé uống nhầm khoảng 100 ml dầu dùng để thắp đèn (hay còn gọi là dầu paraffin) để ở cạn bàn thờ thần tài.

Phát hiện sự việc, người mẹ đã móc họng cho bé ói ra, nhưng sau đó bé đừ, môi tái nên được đưa đến BV.

Tại BV, tình trạng của bé ngày càng xấu. Chụp X-quang phổi ghi nhận tình trạng viêm phổi hít. Sau vài giờ nhập viện, bé suy hô hấp, tổn thương phổi lan tỏa hai bên, tím tái nên phải thở máy 24 giờ, nguy cơ tử vong.

Do đó, các bác sĩ đã quyết định thực hiện kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO) cho bé vào tối 9-2 (28 Tết) nhằm cải thiện tình trạng suy hô hấp, giúp cho phổi của được nghỉ ngơi và có thời gian hồi phục.

Bé gái uống nhầm loại dầu thắp đèn phổ biến nhưng cực kỳ nguy hiểm hiện đã qua nguy kịch. Ảnh: TM

Sau khi được đặt ECMO, bé gái hồi phục kỳ diệu, hồng hào trở lại, sinh hiệu bắt đầu cải thiện tốt.

Sau đó, đội ngũ y bác sĩ khoa Hồi sức tích cực tiếp tục theo dõi bệnh nhi liên tục trong những ngày Tết.

Sau 9 ngày chạy ECMO, bé được cai ECMO thành công vào ngày 18-2 (mùng 7 Tết) và cai máy thở vào ngày hôm sau.

Hiện tại, bé tỉnh táo, đang được thở ôxy, uống sữa, mút kẹo được. Nếu diễn tiến thuận lợi có thể được xuất viện vào cuối tuần này.

Các bác sĩ lưu ý viêm phổi hít dầu lửa là một tai nạn khá thường gặp trong gia đình do thói quen thắp đèn dầu ở các bàn thờ và đựng dầu thắp đèn trong các vật dụng uống nước như chai nước suối, ly, cốc…  trẻ dễ uống nhầm. Để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra, không nên đựng dầu lửa, dầu thắp đèn trong các vật dụng uống nước mà nên cất giữ trong các chai có nắp đậy chặt, để ở trong tủ có khóa an toàn.

Tuyệt đối không được móc họng cho ói 

Theo BS Bạch Văn Cam, Phó Chủ tịch Hội hồi sức Việt Nam, cố vấn chuyên môn BV Nhi đồng 1, dầu thắp đèn bé gái uống là dầu paraffin nhưng tương đối mới. Paraffin không có màu nhưng người ta thường pha thêm hương liệu, màu vàng màu đỏ cho bắt mắt.

Paraffin không chỉ dùng để thắp sáng mà còn dùng để bôi trơn trong công nghiệp và hiện diện trong cuộc sống nhiều. Đặc biệt, gần đây người dân thường chuộng đốt loại dầu này do không có khói.

Các bác sĩ đang cảnh báo về loại dầu thắp đèn không mùi, không khói phổ biến hiện nay. Ảnh: HL

Triệu chứng khi ngộ độc dầu paraffin thường là ho sặc, có cảm giác miệng hơi đau, sau đó khó thở, nặng hơn là rối loạn tri giác hôn mê và dẫn đến sốc, tử vong.

“Người uống dầu paraffin thường gặp biến chứng viêm phổi hít do đây là chất bay hơi đi theo đường nôn ói hoặc từ cổ họng bay lên. Do đó, việc xử trí uống nhầm dầu paraffin không hề giống như cách thông thường, tuyệt đối không được móc họng cho ói ra” - BS Cam nhấn mạnh.

Bổ sung thêm, BS Phạm Văn Quang cho biết dầu paraffin thế hệ mới không có mùi, vị lạt nên dễ bị uống nhầm. Paraffin ít hấp thu ở đường tiêu hóa nên không cần phải cho ói ra, viêc móc họng cho ói sẽ làm tăng nguy cơ hít sặc nhiều hơn, gây viêm phổi nặng, nguy cơ tử vong càng cao.  

Ngoài ra, việc xử trí rửa dạ dày, sử dụng than hoạt tính trong trường hợp này cũng không phù hợp, có thể làm tổn thương phế nang của phổi nặng hơn, dẫn đến tử vong.

Theo BS Quang, vào ngày mùng 8 Tết, Khoa cũng tiếp nhận một bé trai khoảng 3 tuổi do uống dầu paraffin nhưng may mắn người nhà không móc họng cho bé ói ra, bé chưa bị viêm phổi hít nên tiên lượng tốt hơn.

Khi phát hiện trẻ uống xăng dầu hoặc paraffin, cần nhanh chóng đưa trẻ ra chỗ thoáng, có nhiều khí oxy, đặc biệt cho trẻ nằm đầu cao để dễ thở. Nếu trẻ nhỏ, nên bồng và dỗ cho trẻ đừng khóc. Hai việc này giúp tránh cho trẻ nôn ói dễ gây hít sặc, sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế.

BS BẠCH VĂN CAM, Phó Chủ tịch Hội hồi sức Việt Nam, cố vấn chuyên môn BV Nhi đồng 1 TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm