Mỗi tháng gần 12.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường

(PLO)- Tính chung cả năm nay, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 143.200 doanh nghiệp, tương đương mỗi tháng có 11.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê công bố ngày 29-12, trong tháng cuối cùng của năm nay cả nước có 10.800 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 9,8% so với tháng trước và giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, cả nước có 3.776 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2021. Và 5.847 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 35,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung năm 2022, cả nước có 208.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 30,3% so với năm trước. Bình quân một tháng có 17.400 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 143.200 doanh nghiệp, tăng 19,5%. Như vậy, bình quân một tháng có 11.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Khảo sát từ thực tế cho thấy dệt may là một trong những nhóm ngành chịu tác động nặng nề và chưa có dấu hiệu phục hồi hậu đại dịch.

Theo dự báo của Công ty chứng khoán SSI, đơn hàng của ngành dệt may không mấy khả quan do lo ngại lạm phát, và lượng hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu hiện ở mức cao. Chính những nguyên nhân này khiến ngành dệt may sẽ gặp khó khăn trong quý IV và kéo dài sang sáu tháng đầu năm sau.

Cụ thể, số liệu cập nhật được gần đây từ các nhà sản xuất hàng may mặc trong nước, số lượng đơn đặt hàng trong quý IV-2022 giảm từ 25-50% so với quý 2 năm nay (tương đương với mức giảm doanh thu 15-20% so với cùng kỳ năm ngoái). Tác động sẽ nghiêm trọng hơn đối với những doanh nghiệp có khách hàng chủ yếu ở Mỹ và EU. Xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có xu hướng giảm, nhưng ở mức độ thấp hơn nhiều.

Nhiều công ty đã bắt đầu nhận đơn đặt hàng cho quý 1-2023, tuy nhiên lượng đơn hàng nhận được vẫn còn rất xa so với công suất hoạt động của những công ty này.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội dệt may - thêu - đan TP.HCM, cho biết: Hiện các thành viên trong hiệp hội đang gặp rất nhiều khó khăn. Giờ đây mối lo hàng đầu của họ là tìm kiếm đơn hàng chứ không phải lãi suất ngân hàng.

Đồng quan điểm, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc công ty may mặc Dony, chia sẻ thêm: "Với doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may thì nỗi lo lớn hiện tại không phải là lãi suất mà đến từ số lượng đơn hàng truyền thống vốn ổn định về giá cả và tối ưu chi phí vào dây chuyền sản xuất rồi hiện bị sụt giảm mạnh. Đây là tình trạng chung của thị trường may xuất khẩu khiến cho các doanh nghiệp sẵn sàng đưa một mức giá rất thấp để có đơn hàng.

Đối với Dony, các đơn hàng xuất khẩu truyền thống – tức là may gia công cho thương hiệu lớn trên thế giới đã bị giảm đột ngột tới 70-80% so với trước, khiến chúng tôi bị động trong khoảng nửa tháng. Để bù đắp cho phần thiếu hụt này, chúng tôi tìm được đơn hàng gia công cho thương hiệu hàng giá rẻ và xuất khẩu sang thị trường Mỹ nhưng trước đây họ đặt gia công ở Trung Quốc và giờ đây muốn dịch chuyển sang Việt Nam. Sau thời gian tìm hiểu, tôi nhận thấy đây là nhóm khách hàng tiềm năng mà chúng tôi muốn nhắm đến trong vài năm tới”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm