Nhặt rác như… tập thể thao
7 giờ 30 sáng, trên đỉnh Fansipan sương mù đặc quánh, cái lạnh khiến người ta muốn đông cứng. Đeo sẵn khẩu trang dày để giữ ấm hơi thở và chống mất sức, anh Nguyễn Khắc Tưởng cẩn thận kiểm tra lại dây kéo rồi từ từ nhả dây, thả người xuống vách núi. Lần quanh các bụi cây gần khu vực đỉnh trước, sau đó tản dần ra xa, anh Tưởng cùng năm đồng đội bắt đầu công việc dọn rác trên nóc nhà Đông Dương như thường lệ. Mây phủ, sương giá không nhìn rõ mặt người, địa hình quanh khu vực đỉnh 3.143 m hiểm trở, các vách đá dựng đứng, trơn trượt, đội kỹ sư phải chia theo nhóm hai người một luôn đi sát nhau để phòng bất trắc. Mỗi người một bao tải cột bên mình, các anh tìm và thu gom rác thải do du khách xả ra quanh đỉnh Fansipan.
“Trời lạnh, sương mù cũng nguy hiểm nhưng khi đã quen địa hình thì chính cái lạnh lại là thứ làm mình tỉnh táo hơn, chứ vào mùa nắng là nóng rát da rát thịt. Nhặt rác lâu lại đâm ra thích cái công việc mạo hiểm này, thấy mình không khác gì vận động viên leo núi đâu” - Trần Minh Hải, thành viên Đội kỹ sư tình nguyện dọn vệ sinh môi trường, cười, chia sẻ.
Nhớ lại những ngày đầu làm quen với công việc, anh Tưởng và Hải cho biết cảm giác hồi hộp pha chút lo sợ, bất an vẫn vẹn nguyên. Do thường xuyên phải leo trụ, kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống cáp công vụ LCS Fansipan, cả đội đã khá quen làm việc nơi địa hình hiểm trở nhưng khi thực sự đu mình trên sợi dây thừng thả từ đỉnh cao 3.143 m xuống, cheo leo trên tầng mây trắng xóa, dưới chân không nhìn rõ bước đi mới thấy thật sự áp lực.
Tự nguyện làm “tarzan”
Sau khoảng một tiếng làm việc tích cực, các bao tải rác lần lượt được kéo lên. Minh Hải cho biết số rác thu về hôm nay chỉ bằng một phần rất nhỏ so với lượng rác cả đội gom được trong những buổi đầu đu dây nhặt rác cách đây hơn hai năm. “Nếu không tận mắt lún sâu chân mình trong rác ở những khe vực quanh đỉnh, bạn sẽ không thể tưởng tượng vì sao ở tận trên này mà rác thải nhiều đến như vậy. Riêng buổi đầu tiên dọn rác, chúng tôi phải mất hơn một ngày làm việc liên tục mới lôi được gần hết số rác đọng ở một số khu vực gần đỉnh” - Hải chia sẻ.
Cần mẫn suốt thời gian qua, cuối cùng đội kỹ sư bảo dưỡng cáp cũng khiến bãi rác lớn nhỏ dần cho tới chỉ còn lác đác các loại rác vụn ở những vị trí khó tiếp cận. Đội trưởng Nguyễn Khắc Tưởng nói đầy quyết tâm: "Cả đội sẽ tiếp tục làm cho tới khi không còn mẩu rác quanh đỉnh Fansipan mới thôi!".
Vừa chạm tay tới tháp kim loại 3.143 m, anh Trần Quang Hưng, du khách Hà Nội, chia sẻ: “Tôi cảm phục các anh ấy, công việc quá nguy hiểm này không phải ai cũng đủ dũng cảm làm được. Trước đây, leo Fansipan bằng đường bộ, tôi đã được chứng kiến rác kinh khủng như thế nào dọc đường lên núi và khắp khe vực quanh đỉnh. Giờ đỉnh Fan sạch hơn hẳn”. Thấy đội “tarzan” Fansipan vất vả cheo leo trên vách núi, nhiều du khách cũng tự động nhắc nhau bỏ rác đúng nơi quy định, giữ gìn cảnh quan chung.
Điều đáng nói, công việc này được các anh tự nguyện đề xuất với lãnh đạo Công ty Dịch vụ Du lịch cáp treo Fansipan Sa Pa chứ công ty không phân công hay bắt buộc. Ông Phan Tất Thắng, Phó Giám đốc công ty, cho biết: “Công ty ủng hộ và tạo mọi điều kiện để đội kỹ sư bảo trì tuyến cáp công vụ thực hiện công việc đầy thử thách này. Rác sau khi gom về sẽ nhanh chóng được chuyển tới đơn vị môi trường đô thị của Sa Pa để tiến hành xử lý kịp thời”.
Cùng với hoạt động tích cực của đội kỹ sư tình nguyện, bộ phận vệ sinh môi trường của khu du lịch, ban quản lý tuyến cáp treo Fansipan Sa Pa cũng đã bố trí thêm hàng trăm thùng đựng rác dọc đường lên đỉnh Fansipan, cử nhân viên liên tục hướng dẫn, nhắc nhở du khách bỏ rác đúng nơi quy định.