25 NĂM NGÀY THÀNH LẬP BÁO PHÁP LUẬT TP.HCM (17.9.1990 – 17.9.2015)

Nhìn rõ thách thức, hướng tới tương lai

Lời cảm ơn

Trong dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập (17-9-2015), báo Pháp Luật TP.HCMđã nhận được hoa, quà, lời chúc mừng từ các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan, cấp ủy, chính quyền các cấp; doanh nghiệp, các tổ chức và đông đảo bạn đọc. Qua đó bày tỏ sự tin yêu, động viên, ghi nhận những thành tựu mà nhiều thế hệ người làm báoPháp Luật TP.HCM đã đạt được và tin tưởng báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Các ý kiến đều ghi nhận và mong muốnPháp Luật TP.HCM phát huy là tờ báo đi đầu trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật, là một cơ quan truyền thông đa phương tiện chuyên nghiệp, hiện đại, thông tin chính xác, kịp thời và nhân văn; ngày càng đóng góp nhiều hơn cho sự hoàn thiện hệ thống pháp luật và đấu tranh cho việc thực thi pháp luật một cách hiệu quả.

Đội ngũ những người làm báo Pháp Luật TP.HCM xin trân trọng cám ơn những tình cảm quý báu đó và xin hứa sẽ phát huy bản sắc Pháp luật - Tin cậy - Kịp thời và nhân văn như kỳ vọng của những tấm lòng đã dành cho báo Pháp Luật TP.HCM.

BAN BIÊN TẬP BÁO PHÁP LUẬT TP.HCM

“25 năm qua, báo Pháp Luật TP.HCM đã luôn nỗ lực để có những phát triển to lớn, đóng góp vào sự xây dựng và phát triển của TP. Những nỗ lực phát triển cả về tầm vóc, quy mô của tờ báo, kỹ năng, trình độ nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị để vượt qua khó khăn, thực hiện tôn chỉ mục đích đã được Thành ủy, UBND TP và đông đảo nhân dân ghi nhận và đánh giá cao”. Ông Trần Thế Lưu, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP.HCM đã phát biểu như thế tại lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập báo Pháp Luật TP.HCM, ngày 17-9.

Luôn vì dân

Theo ông Trần Thế Lưu, là một trong những nhật báo chính trị-xã hội, báo Pháp Luật TP.HCM luôn bám sát để phản ánh những chương trình mục tiêu lớn của TP.HCM về kinh tế, chính trị, xã hội; là một kênh phản biện có trách nhiệm về nhiều mặt của đời sống. “Báo cũng góp phần quan trọng bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân và tổ chức cũng như của doanh nghiệp; chống oan sai, đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực, làm sai pháp luật của một bộ phận cán bộ, viên chức; góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh” - ông Lưu đánh giá.

Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Huỳnh Văn Hạnh nhìn nhận: “Pháp Luật TP.HCM luôn vì dân, quan tâm tới cuộc sống người dân. Từ những bài viết của báo, thân phận nhiều người dân được thay đổi, đặc biệt với những người dân bị oan sai, điều này đã mang lại một ý nghĩa vô cùng to lớn. Đây là điều rất đáng trân trọng…”.

Trước những thách thức của môi trường báo chí hiện nay, để cạnh tranh tồn tại và phát triển, người đứng đầu Sở Tư pháp TP.HCM đề nghị các bài viết của báo cần sâu sắc hơn, thuyết phục hơn, hay hơn, có tính phát hiện nhiều hơn. “Tôi tin rằng với sự đoàn kết, với truyền thống 25 năm qua, báo chúng ta sẽ vượt qua được khó khăn, hoàn thành được trách nhiệm và đáp ứng được kỳ vọng của độc giả…” - ông Hạnh gửi gắm.

Ông Tất Thành Cang, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM (bìa phải), trao cờ truyền thống cho báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: HTD

Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ Tư pháp Hoàng Kim Chiến trao bằng khen của Bộ Tư pháp cho báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: HTD

Hiện đại và giữ vững bản sắc

Trong bài phát biểu khai mạc tại lễ kỷ niệm, Tổng Biên tập Mai Ngọc Phước cho hay Pháp Luật TP.HCM đã khẳng định được chỗ đứng là tờ báo đi đầu trong thông tin pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Thể hiện rõ nhất ở việc đấu tranh, phản biện để hoàn thiện pháp luật; bảo vệ lẽ công bằng cho người dân và doanh nghiệp; hữu dụng như một cẩm nang để nâng cao nhận thức pháp luật của đông đảo tầng lớp nhân dân.

“Có được vị thế ngày hôm nay, chúng ta không quên những thế hệ làm báo Pháp Luật TP.HCM đã hết lòng vì sự nghiệp của tờ báo. Các thế hệ đó đã để lại một sự nghiệp to lớn mà chúng ta có nhiệm vụ gìn giữ, phát huy và vun đắp. Đó là bề dày thành tựu đã được bạn đọc và xã hội ghi nhận; truyền thống liêm chính, tinh thần dấn thân bảo vệ cái mới tiến bộ; là tư tưởng về một nền báo chí và pháp luật minh bạch, nhân văn và phục vụ phát triển”. Ông Mai Ngọc Phước bày tỏ như thế và gửi lời tri ân đến các thế hệ đã chung tay xây dựng được những giá trị to lớn ấy cho tờ báo có được như ngày hôm nay. Ông cũng bày tỏ sự cám ơn lãnh đạo TP.HCM, lãnh đạo Sở Tư pháp các thời kỳ đã luôn chăm sóc, quan tâm đối với sự phát triển của tờ báo; cám ơn tất cả thành viên đang làm việc tại báo đã luôn đoàn kết một lòng, nỗ lực và vô tư đóng góp vào sự nghiệp của báo.

Nhìn lại và tự hào với những thành tựu trong chặng đường 25 năm qua, ông Mai Ngọc Phước cho rằng đây cũng là lúc chúng ta phải nhìn rõ những thách thức, khó khăn và tin tưởng rằng mình sẽ vượt qua trong thời gian tới. Trên tinh thần đó, người đứng đầu báo Pháp Luật TP.HCM yêu cầu tất cả lực lượng của báo phải luôn tự ý thức, không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của môi trường báo chí hiện đại. Một mặt cạnh tranh về tốc độ và độ chính xác của một tờ báo chính trị-xã hội, mặt khác phải giữ đặc trưng pháp luật trong mỗi bản tin như màu sắc định vị của chính mình.

“Chúng ta tin tưởng và quyết tâm để tờ báo ngày càng lớn mạnh trong tương lai” - ông Mai Ngọc Phước nhấn mạnh.

Năm kỳ vọng của lãnh đạo TP với Pháp Luật TP.HCM

- Một là xây dựng đội ngũ: Mong rằng báo nỗ lực hơn nữa để xây dựng một đội ngũ nhà báo, nhân viên giỏi nghề, có phẩm chất trong sáng và bản lĩnh chính trị vững vàng, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của báo, đóng góp và đồng hành với sự phát triển của TP…

- Hai là đoàn kết, sáng tạo để thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cho nhân dân, cập nhật kịp thời các chủ trương, chính sách, đồng thời ghi nhận sự phản hồi của quần chúng để hiến kế một cách hiệu quả kịp thời cho các cấp, các ngành trong xây dựng pháp luật. Báo phải thực hiện ngày càng tốt chức năng cầu nối, là kênh thông tin quan trọng hai chiều giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.

- Ba, bám sát và phản ánh kịp thời những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP trong cải cách hành chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đưa tin kịp thời về nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính và phục vụ nhân dân của các cấp, các ngành, các địa phương; phát hiện và đấu tranh với những hiện tượng quan liêu, hách dịch, cửa quyền.

- Bốn, đồng hành có trách nhiệm cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP trong công cuộc đấu tranh làm trong sạch đội ngũ, chống các biểu hiện tham ô, lãng phí. Dũng cảm và tỉnh táo để đưa tin một cách có trách nhiệm và hiệu quả cao nhất.

- Năm, luôn tỉnh táo và có định hướng chính trị sâu sắc trong thông tin tuyên truyền, trong đấu tranh phải luôn lấy xây dựng làm mục tiêu để phòng ngừa, bài trừ được cái xấu, đồng thời cổ vũ được sự lạc quan và giữ được niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chính quyền TP.

(Trích phát biểu của ông Trần Thế Lưu, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP.HCM)

Ba cây bút xuất sắc năm 2015 của Pháp Luật TP.HCM

Tại lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập, báo Pháp Luật TP.HCM đã trao giải Cây bút xuất sắc cho ba cá nhân là PV Lê Văn Phi, PV Lê Tấn Lộc và BTV Ngô Thái Bình.

Giải thưởng Cây bút xuất sắc của báo được bắt đầu từ năm 2009. Giải thưởng này được xét và trao giải mỗi năm vào dịp kỷ niệm ngày thành lập báo nhằm tôn vinh những PV, BTV có nhiều đóng góp và cống hiến xuất sắc trong hoạt động nghiệp vụ.

Nhìn rõ thách thức, hướng tới tương lai ảnh 3

Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Huỳnh Văn Hạnh (bìa trái) và Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Mai Ngọc Phước (bìa phải) trao giải Cây bút xuất sắc cho các phóng viên, biên tập viên (từ phải qua: PV Lê Văn Phi, PV Lê Tấn Lộc, BTV Ngô Thái Bình).

Giải thưởng Cây bút xuất sắc năm 2015 có bảy ứng viên được giới thiệu, đó là các PV: Lê Tấn Lộc, Lê Phi, Trịnh Thị Phương Loan; các BTV Ngô Thái Bình, Đặng Liên, Đỗ Thiện và Lê Minh Cường.

Sau khi trải qua quy trình bỏ phiếu, bình xét, chọn lọc, Cây bút xuất sắc năm 2015 đã được trao cho ba cá nhân trên.

T.HƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm