Làn sóng đầu tư của ngành bán dẫn đã kéo theo sự gia tăng về nhu cầu tuyển dụng trong ngành. Thời điểm hiện tại, đã có những doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại Việt Nam và tìm kiếm kĩ sư thiết kế.
Kĩ sư vi mạch được trả lương khủng
Bà Vũ Thị Phương Thảo, Trưởng phòng Quản lý Tuyển dụng cấp cao, Navigos Search (nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam), chia sẻ một số nghiên cứu tiền lương, cho thấy lương sau thuế trong năm đầu đi làm của kỹ sư thiết kế chip là gần 220 triệu đồng, sau tăng dần.
Với 5 năm kinh nghiệm, người làm công việc này có thu nhập trên 330 triệu đồng/năm. Con số này tăng dần lên hơn 800.000-1,3 tỉ đồngnếu có 15-20 năm kinh nghiệm.
Vị chuyên gia khái quát sau ba làn sóng đầu tư trực tiếp vào Việt Nam giai đoạn trước, đặc biệt sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Việt Nam đang chứng kiến làn sóng đầu tư tiếp theo trong các lĩnh vực về công nghệ đổi mới sáng tạo, chip bán dẫn, năng lượng tái tạo, môi trường, y tế, giáo dục - đào tạo…
Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế chung của cả thế giới đang trong tình trạng trầm lắng, dẫn đến tác động không nhỏ đến thị trường tuyển dụng của tất cả các ngành.
Theo đó, khi làn sóng đầu tư của các “ông lớn” ngành bán dẫn đổ bộ vào Việt Nam, sẽ là điểm sáng trên thị trường việc làm ảm đạm góp phần thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực của một mảng ngành nghề tiềm năng tại Việt Nam.
Trong đó, ngành bán dẫn - vi mạch được kỳ vọng là một trong những trọng tâm của làn sóng đầu tư mới, có tiềm năng rất lớn trong tương lai về nhu cầu nhân lực trình độ cao, chất lượng cao, đặc biệt với nhóm kĩ sư thiết kế vi mạch.
Thống kê gần đây cho thấy, thị trường nhân lực Việt Nam có thể đáp ứng khoảng 5.000 kĩ sư chuyên môn hóa, trong đó chủ yếu là kĩ sư thiết kế, kiểm thử. Nhân lực chủ yếu phân bổ ở TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội.
Vì vậy, để đáp ứng được nhu cầu nhân lực khi làn sóng đầu tư ngành bán dẫn đang đến với Việt Nam, gần đây Bộ GD&ĐT đặt mục tiêu đào tạo 20.000 - 50.000 kĩ sư ngành này trong 10 – 20 năm tiếp theo.
Mục tiêu này, bà Thảo đánh giá khá tham vọng. Để có thể thực hiện được thì đòi hỏi sự tham gia đồng bộ từ nhiều nguồn lực bao gồm sự đầu tư về nguồn giảng viên, cơ sở vật chất trong đào tạo của nhà trường cũng như sự phối hợp đào tạo của các doanh nghiệp trong ngành trên cơ sở có định hướng rõ ràng từ cơ quan nhà nước.
"Thời điểm này, sự thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên môn cao về ngành bán dẫn đang là một thực trạng lớn, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn tuyển người lao động có thể đáp ứng được công việc" - bà Thảo chia sẻ.
Thế nhưng trong tương lai, Bộ GD&ĐT đang có kế hoạch xây dựng hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, chúng ta có thể gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn.
Mục tiêu đầy thách thức
Vị chuyên gia dự báo trong năm nay hoặc trong thời gian ngắn, chúng ta khó đánh giá được mức độ đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành bán dẫn là như thế nào. Tuy nhiên, dựa theo mục tiêu của Bộ GD&ĐT, chuyên gia dự báo tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp chip bán dẫn trong 5 năm tới khoảng 20.000 người và 10 năm tới khoảng 50.000 người, đạt trình độ đại học trở lên. Đây là mục tiêu khá cao so với hiện tại khi chúng ta đang có khoảng 5.000 lao động trong mảng thiết kế vi mạch.
Do đó, để có thể đáp ứng được 20.000 nhân lực trong 5 năm tới, chúng ta rất cần các chính sách hỗ trợ đồng bộ, dẫn dắt từ phía Nhà nước, cũng như sự phối hợp đào tạo giữa các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ngành bán dẫn là lĩnh vực công nghệ cao, khó đào tạo được đầy đủ và toàn diện trong thời gian ngắn, nên thách thức trong thời gian trước mắt vẫn là tháo gỡ điểm nghẽn giữa nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và nguồn cung nhân lực chuyên môn về bán dẫn.