Ông Nguyễn Sự: 'Bán vé vào Hội An quan trọng nhưng không phải số 1'

(PLO)- Mới đây, dư luận xôn xao việc TP Hội An, Quảng Nam sẽ bắt buộc du khách mua vé tại các quầy trước khi vào khu phố cổ, bắt đầu từ 15-5.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Sự, Nguyên Bí thư Thành uỷ Hội An, nói: "Việc bán vé tham quan khu phố cổ Hội An có từ năm 1995, không hề mới. Đến bây giờ, qua nhiều lần thay đổi, phương án cũng không có gì thay đổi, nhưng ở đây là cách làm, phương pháp".

. Phóng viên: Đầu tiên, xin ông cho biết Hội An có gì khác so với những địa điểm du lịch khác?

Ông Nguyễn Sự, Nguyên Bí thư Thành uỷ Hội An. Ảnh: THANH NHẬT

Ông Nguyễn Sự, Nguyên Bí thư Thành uỷ Hội An. Ảnh: THANH NHẬT

+ Ông Nguyễn Sự: Trước khi TP Hội An trở thành một điểm du lịch thì đây là một điểm văn hoá, là một di sản văn hoá. Chính những giá trị văn hoá đó mới thu hút, mời gọi du khách tìm đến đây để Hội An trở thành một điểm đến trong toàn bộ quá trình phát triển du lịch của đất nước và của riêng TP Hội An.

Điểm xuất phát của du lịch TP Hội An bắt đầu từ phố cổ, từ các giá trị văn hoá, do đó khi ứng xử với Hội An là phải ứng xử với một di sản văn hoá rồi sau đó mới nói đến việc ứng xử với một điểm đến du lịch.

. Ý kiến của ông thế nào về việc bán vé cho du khách tham quan phố cổ Hội An?

+ Việc bán vé tham quan khu phố cổ Hội An có từ năm 1995, không hề mới. Đến bây giờ, qua nhiều lần thay đổi, phương án cũng không có gì thay đổi, nhưng ở đây là cách làm, phương pháp.

Ngày xưa, mọi du khách khi đến Hội An tham quan phải mua vé, bất kể là người Việt Nam hay nước ngoài. Nhưng lâu nay bán vé theo đoàn, theo tour, còn du khách đi lẻ chỉ khuyến cáo mua vé, chứ không bắt buộc.

Khách đi theo đoàn phải mua, bởi vì du khách đã chi tiền vé tham quan Hội An trong tour, nhưng một số đơn vị lữ hành hoặc hướng dẫn viên không mua vé, thả du khách đi lung tung. Điều đó gây thiệt thòi cho du khách, làm cho du khách càng không hiểu Hội An.

Do đó, việc kiểm tra, quyết liệt để xử lý những đoàn khách do hướng dẫn viên dẫn đi chui dứt khoát phải làm.

. Theo ông, dư luận có đang hiểu lầm sự việc TP Hội An buộc ai cũng phải mua vé?

+ Có lẽ anh em giải thích chưa rõ, làm người ta hiểu lầm “ai đi vào Hội An cũng phải mua vé”, dẫn đến phản ứng. Phố cổ Hội An là di tích sống, khác hoàn toàn với Mỹ Sơn, Huế…

Việc bán vé là quan trọng nhưng không phải số 1, mà là việc giữ gìn di sản. Bên trong di sản là những người dân đang sinh sống, làm sao để họ hưởng lợi từ di sản để họ giữ gìn. Còn việc bán vé là việc phải làm để góp phần trùng tu di tích.

. Nguồn thu từ bán vé giúp gì cho Hội An giữ gìn di sản?

+ Hội An có cơ chế, dù là di tích tư nhân nhưng là di tích loại 1, đặc biệt nằm trong hẻm, không có thu nhập, muốn giữ gìn, trùng tu phải được nguồn này hỗ trợ từ 35-75%.

Có những ngôi nhà hỗ trợ cho họ đến 2 tỉ để trùng tu, từ nguồn bán vé tham quan. Nguồn thu từ bán vé không phải bỏ vào ngân sách, mà dùng để trùng tu di tích và cho các hoạt động.

Tôi tin dư luận không phản ứng chuyện bán vé, nhưng người ta cứ nghĩ “ai đi vào Hội An cũng bị chặn mua vé” nên phản ứng. Không phải như thế, tôi đã hỏi anh em (lãnh đạo TP Hội An - PV) cụ thể rồi.

. Có chăng việc công bố phương án quá sớm gây hiểu lầm, thưa ông?

+ Anh em khi làm hơi vội, lẽ ra phải lấy ý kiến của dân, của các đơn vị lữ hành, họp báo, khi đã chín rồi công bố. Phương án thì rất dài, nhưng khi nói ra cắt ngắn lại, dẫn đến người ta hiểu lầm. Thực ra bán vé không có vấn đề gì mới.

Tôi tin rằng anh em sẽ lắng nghe, điều chỉnh cho phù hợp. Nhưng hiện nay đang rối lên vì chuyện không đáng.

. Bán vé hoặc không bán vé ảnh hưởng gì tới người dân, và có cần lấy ý kiến của họ?

+ Cần để người dân có ý kiến, bởi vì chính người dân đang giữ gìn phố cổ. Tất cả phố đi bộ, đêm phố cổ… ban đầu người dân có thể khó khăn, nhưng để rồi qua các sản phẩm đó mà thu nhập của họ ngày càng cao hơn.

Người dân thu nhập cao hơn thì chính họ có trách nhiệm giữ gìn di tích nhiều hơn, mục tiêu lớn nhất là như vậy, không phải chuyện bán vé.

. Theo ông, phương án mới phân luồng du khách, người địa phương có gì hợp lý và chưa hợp lý?

+ Bản thân khi các đoàn đi vào phố cổ có đường đi riêng, còn dân địa phương, khách đi lẻ đi đường nào họ đi, việc đó không ai cấm.

Anh em đang lắng nghe, những gì phù hợp sẽ thực hiện, không phù hợp sẽ tiếp thu. Anh em rất cầu thị.

Năm 2012, tôi từng bị sự cố như vậy, nhưng nhẹ hơn. Cái gì làm chưa phù hợp phải sửa, phù hợp rồi thì làm. Miễn sao người dân được hưởng lợi, du khách cảm thấy thoải mái.

. Việc "chặn đầu bán vé’" như dư luận đang hiểu có phải đang tách người Hội An ra khỏi du khách?

+ Bản thân du khách đến giao lưu tạo thứ văn hoá rất đặc biệt ở Hội An, đó là văn hoá thân thiện, tình yêu, không chỉ ở từng ngôi nhà, nếp sống người dân Hội An. Tách người dân Hội An ra khỏi du khách vì một mục đích nào đó sẽ thất bại, nhưng anh em không có chủ trương tách chuyện đó.

Phương án bao giờ cũng có cái chặt chẽ và không chặt chẽ. Thực tiễn mới là bài toán mà bản thân chúng ta rút kinh nghiệm.

Năm 2012, phương án cũng tốt lắm, nhưng khi ra thực tiễn đẻ ra rất nhiều thứ, lúc đó tôi là trực tiếp giải quyết, cái gì bất hợp lý mình lắng nghe để mà bỏ.

Cuộc sống, có người ủng hộ, có người không ủng hộ là chuyện bình thường. Nếu ủng hộ mà bất hợp lý mình phải điều chỉnh, không ủng hộ mà có lợi cho người dân Hội An thì mình cũng làm. Nhưng tất cả đều phải lắng nghe, không phải mình là chân lý!

. Xin cảm ơn ông!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm