Phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025: Giảm áp lực cho học sinh

(PLO)- Theo Bộ GD&ĐT, phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 gồm 4 môn trong đó 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thi 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn

Trưa 29-11, Bộ GD&ĐT đã công bố quyết định 4068 về phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Phương án thi tốt nghiệp từ 2025
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3 trong một giờ học tiếng Anh. Ảnh: NQ

Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thí sinh sẽ thi bắt buộc môn Ngữ văn, môn Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn học còn lại (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Trong đó, môn Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Phương án thi tốt nghiệp sẽ được thực hiện từ năm 2025

Giai đoạn 2025-2030: Giữ ổn định phương thức thi trên giấy

Giai đoạn sau 2030: Từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện...

Một quyết định lịch sử

Ông Hoàng Anh Đức, Tổng Giám đốc Hệ thống Giáo dục Sky-Line, Đà Nẵng bày tỏ quyết định 4068 - một quyết định lịch sử.

Theo ông Đức, sự thành công của mọi tiến trình cải tiến dạy và học có thể được nhìn nhận qua sự kết nối giữa ba trụ cột: Mục tiêu học tập (thể hiện qua Chương trình và giáo trình), quá trình dạy và học và kiểm tra và đánh giá. Trụ cột thứ 3, nếu không làm tốt sẽ trở thành nút thắt thứ 3.

"Với phương án thi tốt nghiệp 2+2 (Toán, Văn, và 2 môn tự chọn), quyết định 4068 quả thực là một quyết định lịch sử. Bởi qua việc giảm tải áp lực thi cử, nó đã góp phần củng cố nền tảng vững chắc cho các cải tổ về chương trình và phương pháp. Giảm bớt gánh nặng về dạy thêm, học thêm. Giảm bớt áp lực và nguồn lực xã hội trong công tác thi cử. Giảm bớt chi phí cho học sinh, phụ huynh. Tạo ra cơ hội để các nhà trường, gia đình có những hành trình hướng nghiệp hiệu quả hơn, không loay hoay nhiều trong câu chuyện phân ban, chọn tổ hợp" - ông Đức nói.

Ông Đức cho rằng, sự lựa chọn của nhiều, rất nhiều học sinh, gia đình sẽ là Toán, Văn, Anh, và 01 môn theo định hướng nghề nghiệp. Sự lựa chọn này, không dám nói là tối ưu nhất, nhưng sẽ là hiệu quả nhất để học sinh tự tin, vững bước hội nhập với thế giới.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú cho hay phương án thi tốt nghiệp vừa công bố sẽ nhận được sự ủng hộ từ dư luận xã hội. Lý do giảm tải áp lực học hành cho các em, tiết kiệm chi phí cho phụ huynh và cho xã hội.

Tuy nhiên có một số ý kiến sẽ cho rằng vì sao ngoại ngữ không phải là môn bắt buộc. “Hiện nay, ngoại ngữ là nhu cầu bắt buộc, không cần phải thi học sinh mới học. Để hội nhập với thế giới, bản thân các em phải tự trang bị vốn liếng về ngoại ngữ. Hơn nữa, một số trường có tiêu chuẩn IELTS để xét tuyển tự thân học sinh sẽ tự đầu tư học ngoại ngữ để lấy chứng chỉ” - ông Độ nói

Ông Tô Lâm Viễn Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh cho rằng phương án thi tốt nghiệp càng ít môn sẽ giảm áp lực cho học sinh. Bởi thực tế kỳ thi tốt nghiệp giờ không quá khó khăn như trước.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra 2 môn tự chọn sẽ là những môn nào để phù hợp với đề án tuyển sinh đại học của các trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm