Ở Việt Nam, sắp tới Dự thảo sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ) sẽ bổ sung những quy định nhằm bảo vệ những người liên quan.
Hôn nhân thực tế, sống thử… đang ngày càng phổ biến trong xã hội. Họ không ngoại tình, không vi phạm pháp luật mà chỉ là “vợ chồng không giá thú” bởi nhiều lý do khác nhau. Do không được pháp luật công nhận, bảo vệ nên mối quan hệ rủi ro này rất dễ bị lạm dụng. Vì vậy, “dự thảo sửa đổi Luật HNGĐ sẽ bổ sung những quy định mới nhằm ràng buộc trách nhiệm của “người trong cuộc”” - ông Dương Đăng Huệ (Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế của Bộ Tư pháp, Tổ trưởng Tổ biên tập dự án sửa đổi Luật HNGĐ), chia sẻ về định hướng sửa đổi, bổ sung Luật HNGĐ sắp tới.
Sống thử: Thiệt đơn, thiệt kép
Câu chuyện đẫm nước mắt của P. khiến nhiều người xót xa. Ngót 10 năm sống chung với nhau từ thời sinh viên cho đến khi cả hai có cuộc sống ổn định, P. luôn một lòng vun vén, gồng gánh mọi chi tiêu, hầu hạ chồng tương lai. Đến khi anh này bắt đầu thành đạt, ngồi lên ghế phó phòng, mua được mảnh đất nhỏ lại thản nhiên rũ bỏ cô, rắp ranh chuẩn bị cưới vợ. Đất do “chồng” để dành tiền riêng mua và đứng tên nên P. không có phần; kể công sức, tiền bạc bỏ ra chung sống ngần ấy năm thì không có bằng chứng gì. Hai lần phá thai khiến thân hình tiều tụy, P. đã mất tất cả: mất chồng, mất tuổi trẻ, mất cả phần tài sản, công sức mà cô đã đổ ra trong những ngày chung sống.
Hôn nhân thực tế, sống thử… đang ngày càng phổ biến trong xã hội. Ảnh: HTD
Trước đây, hôn nhân thực tế vẫn được công nhận, bảo đảm đầy đủ quyền và nghĩa vụ vợ chồng của hai bên khi ly hôn. Nhưng kể từ ngày 1-1-2001 (Luật HNGĐ 2000 có hiệu lực), việc chung sống không hôn thú đã không còn được thừa nhận hợp pháp, khi chia tay, tòa án tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng và giải quyết về con chung, tài sản tương tự như việc hủy kết hôn trái pháp luật.
Nhiều nước quy định thỏa thuận sống chung
Vụ trưởng Dương Đăng Huệ cho biết trên thế giới, chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn đang trở thành hiện tượng phổ biến (ở Thụy Điển, tỉ lệ vợ chồng không hôn thú lên đến 25%). Do vậy các nước đều có quy định rõ trong luật hoặc án lệ về quyền và nghĩa vụ trong mối quan hệ này.
Tại một số nước, nếu có đủ căn cứ xác định quan hệ hôn nhân thực tế thì tòa án vẫn có thể công nhận giữa hai bên có các quyền và nghĩa vụ như vợ chồng. Điển hình, án lệ của tòa án Nhật Bản có thể công nhận hôn nhân của những người chung sống như vợ chồng dù không có hôn thú, nếu họ được cộng đồng xung quanh thừa nhận hoặc dựa trên lý do chính đáng khác.
Luật của Khối Thịnh vượng chung về phân chia tài sản đối với các cá nhân chung sống như vợ chồng (có hiệu lực ở Australia từ 1-3-2009) quy định tòa gia đình có thể công nhận hai bên chung sống như vợ chồng, có quyền sở hữu về tài sản như của vợ chồng nếu bảo đảm một trong các điều kiện: Thời gian chung sống như vợ chồng ít nhất là hai năm; hai bên đã có con trong quá trình chung sống...
Nhiều nước tuy không công nhận trường hợp vợ chồng chung sống không có hôn thú nhưng quy định rất cụ thể về quyền, nghĩa vụ của các bên trong Luật HNGĐ hay ban hành luật riêng về vấn đề này. Điển hình, Điều 53 và Điều 55 của Luật Gia đình Canada quy định: Hai người đang chung sống hoặc có ý định chung sống mà không đăng ký kết hôn có thể thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ của mình trong thời gian chung sống hoặc việc chấm dứt chung sống (bao gồm việc sở hữu hay phân chia tài sản, các nghĩa vụ trợ giúp, quyền định hướng giáo dục cho con...). Thỏa thuận sống chung này được hai bên lập thành văn bản, ký vào và thực hiện, còn nếu sau đó hai bên kết hôn thì được xem như thỏa thuận hôn nhân.
Bộ luật Dân sự Pháp (từ Điều 515-1 đến Điều 515-8) cũng có quy định cụ thể về thỏa thuận tổ chức cuộc sống chung và hôn nhân thực tế. Thụy Điển cũng đã ban hành luật riêng về chung sống như vợ chồng. Tại các nước Thụy Điển, Pháp, Australia, quy định về thỏa thuận sống chung được áp dụng không phân biệt cho cả trường hợp nam nữ chung sống hay chung sống đồng tính.
Dự thảo Luật HNGĐ sẽ bổ sung thêm quy định điều chỉnh về quan hệ “sống chung không đăng ký kết hôn” (áp dụng cho cả sống chung đồng giới hay khác giới) theo hướng: Không thừa nhận hôn nhân hợp pháp giữa những người có quan hệ chung sống như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn. Đồng thời, quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quan hệ chung sống (áp dụng cho cả quan hệ chung sống đồng giới hay khác giới): - Về con chung: Được áp dụng tương tự theo quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con trong Luật HNGĐ. - Về tài sản: Cho phép các bên lập thỏa thuận về quan hệ tài sản để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong giao dịch, thỏa thuận. Nếu các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vô hiệu (vi phạm điều kiện có hiệu lực; hoặc chung sống vi phạm các điều kiện kết hôn về tuổi kết hôn, có quan hệ họ hàng...) thì quyền và nghĩa vụ về tài sản giữa các bên sẽ được xác định theo quy định về sở hữu chung trong Bộ luật Dân sự. ___________________________________________ Nhiều vụ việc chung sống như vợ chồng nhiều năm rồi rũ bỏ trách nhiệm, tiếp tục sống thử hoặc kết hôn với người khác, còn người phụ nữ bị ruồng bỏ không được quyền lợi gì, cũng khó xác định công sức đóng góp trong quá trình chung sống để chia tài sản nên những quy định bảo vệ bà mẹ, trẻ em cũng khó có giá trị thực thi đúng nghĩa. Ông TƯỞNG DUY LƯỢNG, Phó Chánh án TAND Tối cao |
BÌNH MINH