Mở màn chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện về quy hoạch Sơn Trà, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Kim Thúy, một ĐB Quốc hội (QH) của Đà Nẵng, nêu câu hỏi: “Là người trực tiếp phụ trách lĩnh vực du lịch, đề nghị Bộ trưởng cho biết việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch du lịch Sơn Trà đã đúng quy trình, thủ tục chưa, bảo đảm thống nhất khả thi không? Dựa vào tiêu chí nào để đưa ra con số 1.600 phòng? Quan điểm xử lý của Bộ trưởng với các dự án trên bán đảo Sơn Trà như thế nào?”.
“Với Sơn Trà, tôi rất trăn trở”
Trước câu hỏi này, Bộ trưởng Thiện cho hay quy hoạch Sơn Trà được lập dựa trên hai căn cứ. Thứ nhất là Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển TP Đà Nẵng, trong đó có nêu khu vực bán đảo Sơn Trà vừa phục vụ cho phát triển kinh tế, văn hóa, dịch vụ gắn với quốc phòng an ninh của khu vực. Thứ hai là căn cứ chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt xác định bán đảo Sơn Trà là một trong 47 địa điểm có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia.
“Căn cứ hai văn bản đó thì Bộ, với sự thống nhất của TP Đà Nẵng, đã cho phép tiến hành lập quy hoạch bởi vì khu du lịch quốc gia phải được quy hoạch” - ông Thiện nhấn mạnh và cho biết năm 2014 Bộ VH-TT&DL đã lập quy hoạch và đến 2016 trình Chính phủ phê duyệt.
“Với Sơn Trà, báo cáo QH, tôi rất trăn trở. Trước đây tôi công tác ở Huế, có một dự án tương tự là đồi Vọng Cảnh nên rất thấm thía. Quan điểm của chúng tôi về phát triển du lịch Sơn Trà là bền vững, bảo vệ các giá trị đa dạng sinh học nổi bật, gắn phát triển với bảo tồn nhưng ưu tiên bảo tồn” - Bộ trưởng Thiện chia sẻ và nêu rõ từ 1.600 phòng trong quy hoạch có thể giảm tiếp, song giảm bao nhiêu thì phải có căn cứ cụ thể.
Về việc Đà Nẵng đã cấp phép cho hơn 5.000 phòng lưu trú, vậy khi giảm số phòng thì xử lý thế nào, ông Thiện cho hay: “Số phòng lưu trú tới đây có thể sẽ giảm rất thấp, trách nhiệm xử lý theo quy định thuộc TP Đà Nẵng và Bộ sẽ phối hợp với địa phương trong quá trình này”.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng không thể giao cho TP Đà Nẵng quyết Sơn Trà thế nào cũng được. Ảnh: QH
Giao Sơn Trà cho Đà Nẵng quyết?
Liên quan đến quy hoạch Sơn Trà, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giải trình thêm. Ông cho hay: Trước năm 2013, UBND TP Đà Nẵng theo thẩm quyền đã phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư cho 25 dự án, trong đó có 18 dự án du lịch, 11 dự án xây dựng cơ sở lưu trú với số phòng 1.400 phòng khách sạn, 1.920 căn biệt thự. “Con số 1.600 phòng lưu trú này không phải ý chí hành chính mà theo kiến trúc sư trưởng, đây là tính toán mô hình công thức chuyên ngành du lịch... Hội đồng của Bộ đã lấy ngưỡng thấp và ưu tiên bảo tồn là 1.600 phòng nhưng quy hoạch đến năm 2030” - Phó Thủ tướng nêu rõ.
Cũng theo ông Đam, báo cáo của Đà Nẵng nói rõ không đồng ý giữ nguyên hiện trạng, không xây dựng thêm theo kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng. “Tuy nhiên, tôi vẫn có văn bản giao lại Đà Nẵng tiếp tục rà soát, làm việc với hiệp hội về hướng và quy mô phát triển du lịch ở Sơn Trà trên nguyên tắc phát triển bền vững. Khi chưa đảm bảo thì lui lại để khi có đủ điều kiện sẽ làm. Bảo tồn không cực đoan là đóng khung lại. Bảo tồn tốt thì đó là tài nguyên du lịch, hỗ trợ lẫn nhau” - ông nói.
Phó Thủ tướng kết lại: “Tinh thần của Chính phủ và Thủ tướng là nếu Đà Nẵng sau khi rà soát tất cả dự án, làm việc với các nhà đầu tư, hiệp hội mà thống nhất kiến nghị giảm quy mô đầu tư trên bán đảo Sơn Trà xuống, bất cứ mức nào Chính phủ đều đồng ý, miễn là dưới mức ngưỡng 1.600. Nếu TP thống nhất với các hiệp hội giữ nguyên trạng Sơn Trà thì Chính phủ cũng hoan nghênh và cao hơn nữa, nếu Đà Nẵng cùng hiệp hội thấy rằng Sơn Trà chưa cần phát triển du lịch xin rút khỏi quy hoạch du lịch quốc gia thì Chính phủ cũng sẽ đồng ý”.
Sau khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giải trình, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) phát biểu tranh luận. Ông cho rằng bán đảo Sơn Trà không phải của riêng Đà Nẵng. Yêu mến Sơn Trà không chỉ riêng người dân Đà Nẵng mà là người dân cả nước, cũng giống với Hạ Long, Sơn Đoòng…
“Bao nhiêu xương máu đã đổ để bảo vệ những di sản này. Chúng ta còn phải để lại cho con cháu mai sau. Do đó không thể giao cho UBND TP Đà Nẵng muốn quyết thế nào cũng được. Khi có vấn đề và cử tri lên tiếng thì các cấp trên phải vào cuộc. Riêng tôi đề nghị chúng ta phải hỏi ý kiến rộng rãi hơn và Chính phủ phải vào cuộc. Cá nhân tôi cho rằng 300 phòng đã là nhiều” - ông Nghĩa nêu quan điểm.
Bộ trưởng nhận lỗi vụ “cấp phép bài hát” Trong ba phút được dành cho để phát biểu trước khi các ĐBQH chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói: “Những sự việc xảy ra gần đây liên quan đến công tác quản lý nhà nước tại Cục Nghệ thuật biểu diễn, Tổng cục Du lịch… dù do nguyên nhân và vì lý do gì thì cũng là bài học sâu sắc trong công tác quản lý của ngành. Bộ trưởng xin nhận trách nhiệm của người đứng đầu với những sự việc vừa qua”. Về câu chuyện “cấp phép bài hát”, Bộ trưởng Thiện khẳng định những vụ việc vừa rồi có thể nói “do năng lực cán bộ”. Bởi năng lực tốt thì đã không xảy ra những việc như vậy, như việc cấm lưu hành năm bài hát trước năm 1975 rồi sau đó cho lưu hành lại, việc cập nhật hơn 300 bài lên website cũng như câu chuyện ở Tổng cục Du lịch. “Có cái sai không đáng có. Danh sách không yêu cầu mà cập nhật, khi cập nhật lại sai mục khi cho vào mục “cấp phép”. Có thể nói sai nghiệp vụ sơ đẳng của quản lý nhà nước” - ông Thiện cho biết và nhận trách nhiệm của người đứng đầu. Ông cũng cho hay về việc này Bộ đã tiến hành kiểm điểm trách nhiệm, làm rõ nguyên nhân tại đâu để trên cơ sở đó có giải pháp bồi dưỡng, nâng cao năng lực, đạo đức nghiệp vụ của cán bộ, thậm chí là thuyên chuyển cán bộ. |