Ngày 13-10, phóng viên đã đến cổng BV K Trung ương để tìm hiểu vấn đề này. Tuy nhiên, “thánh cô” không có mặt ở đây. Theo nhiều người dân sống ở gần bệnh viện, sau khi lôi kéo được người bệnh, "thánh cô" đã chuyển về hoạt động tại nhà riêng ở tại đường Hồng Hà, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Theo người dân ở đây, người tự xưng là "thánh cô" xuất hiện từ đầu tháng 10, nói rằng mình có khả năng chữa được bách bệnh khiến nhiều người dân, đặc biệt là bệnh nhân, tụ tập theo dõi, xin được "cô" chữa bệnh giúp.
“Bà này chữa bệnh bằng các phương pháp rất buồn cười và kỳ quặc như mút trán, phun nước vào mặt người bệnh, sờ vào người, thậm chí là sờ vào những bộ phận nhạy cảm của người bệnh” - một người dân gần đấy cho biết.
Người bệnh đang xúm quanh một người tự xưng 'thánh cô' có thể chữa được bách bệnh.
Cũng trong ngày 13-10, PGS-TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc BV K Trung ương, thừa nhận từ ngày 3-10, tại cửa bệnh viện xuất hiện một số đối tượng lợi dụng danh nghĩa từ thiện nhưng thực chất là tuyên truyền mê tín dị đoan, lợi dụng sự cả tin của người bệnh để truyền bá cách thức chữa bệnh phản khoa học.
Ngay sau khi phát hiện ra vụ việc, bệnh viện đã có công văn gửi Công an TP Hà Nội để phối hợp xử lý.
“Vì đối tượng này hành nghề ngoài bệnh viện nên bệnh viện rất khó giải quyết dứt điểm. Ngoài ra, hành lang pháp lý để xử lý những đối tượng như thế này chưa cụ thể rõ ràng nên ngoài việc phối hợp với các cơ quan chức năng, bệnh viện phải kết hợp với tuyên truyền cho người bệnh để không cả tin vào những phương pháp phản khoa học trên” - ông Thuấn nói.
Theo ông Thuấn, về phía bệnh viện, các y bác sĩ cũng có những cảnh báo với người bệnh như không tin, nghe, làm theo cách chữa trị không căn cứ khoa học này, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cũng theo ông Thuấn, cho tới nay thế giới chưa thấy có báo cáo về việc chữa khỏi ung thư từ các phương pháp nào khác. Hiện nay điều trị ung thư phải dựa vào các phương pháp chính thống như phẫu thuật, xạ trị và điều trị bằng thuốc (hóa chất, nội tiết, sinh học).
Ông Thuấn cũng cho hay đã có nhiều trường hợp đang được điều trị bằng các phương pháp gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa chất kết quả đang rất tốt lại bỏ ngang để điều trị bằng một số loại lá, thuốc không rõ nguồn gốc. Kết quả là nhiều trong số các bệnh nhân này thấy không đỡ, quay lại xin điều trị bằng Tây y thì bệnh đã ở giai đoạn quá khả năng cứu chữa, phần còn lại tử vong trong quá trình điều trị.
“Người dân không nên vì nghe theo những lời tự xưng thần thánh, bỏ ngang lộ trình chữa trị theo phác đồ của bệnh viện mà chuyển sang các biện pháp chữa trị không chính thống khác. Điều này sẽ làm mất đi “thời gian vàng” trị bệnh” - ông Thuấn nói.