Bà Gái vừa bị cắt chân vì biến chứng tiểu đường. Mất chân chỉ vì cái nhọt
Đang điều trị tại Bệnh viện Nội Tiết Trung ương, bà Nguyễn Thị Gái, 61 tuổi, xã Thiệu Trung, Thiệu Xuân, tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa hết bàng hoàng khi vừa tiến hành xong ca phẫu thuật cắt ngang chân của mình. Nước da xanh xạm vì đau đớn, mệt mỏi. Trong câu chuyện bà Gái chia sẻ nhiều lúc như muốn khóc.
Bà làm nghề nông, quanh năm bám mặt cho đất, bán lưng cho trời có biết gì đến bệnh tiểu đường là gì. Thi thoảng ốm đau, bà làm vài viên thuốc là xong. Hơn nữa bà quan niệm bệnh ý chỉ dành cho người béo.
Cách đây 2 tuần, bà thấy chân xuất hiện một cái nhọt. Nhìn như vết phỏng nước. Càng ngày cái nhọt càng to. Bà thấy thịt xung quanh thối đi rất nhanh mà lại không có cảm giác đau đớn gì. Bà đi mua kháng sinh về uống, chữa nhiễm trùng. Nhưng càng ngày vết loét càng to, sâu lan rộng ra cả bàn chân. Mỗi ngày ngủ dậy diện tích thịt bị thối, hoại tử lan rộng. Bà được con đưa xuống bệnh viện tỉnh Thanh Hóa khám.
Tại đây, bác sĩ nghi bị biến chứng bàn chân do tiểu đường nên bà đã được giới thiệu ra bệnh viện Nội tiết Trung ương. Ngay buổi sáng đến khám, bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật cắt chân vì chỉ chậm thêm giờ nào chân sẽ bị cắt cao hơn giờ đấy.
Bà Gái rơm rớm nước mắt: "May thật, nếu tôi đến chậm một ngày thì sẽ phải tháo khớp đến tận háng. Như thế sau này không đi chân giả được chứ chưa nói là làm việc gì. Tôi không hề biết mình bị tiểu đường vì hàng ngày vẫn đi làm, vẫn ăn uống bình thường, không sụt cân, không thèm ăn gì cả nên không biết bệnh thế nào để đi chữa. Đường huyết xét nghiệm cao quá, nghĩ lại tôi vẫn thấy sợ".
Hoang mang bệnh lý bàn chân
Tại khoa Chăm sóc Bàn chân của Bệnh viện Nội tiết Trung ương có đến hơn chục bệnh nhân người, thì băng bó tay, người băng bó chân, mỗi người mắc bệnh lý biến chuyển từ tiểu đường khác nhau nhưng mọi người đều rất sợ nhọt.
Điều trị tại đây 2 tuần nay, ông Cao Văn Đ. Thanh Thủy, Thanh Hà, Hải Dương vén quần lên đùi chỉ vào cái nhọt mọc ở đùi khiến ông khốn khổ. Ông kể chỉ cái mụn như cái mụn đầu đinh thế mà trong hai ngày nó khoét sâu vào đến tận xương chân. May là ông Đ đến viện kịp thời nên các bác sĩ làm thủ thuật cắt bỏ lớp thịt bị hoại tử và không phải cắt chân.
Mỗi ngày, khoa Chăm sóc bàn chân đều tiếp nhận các trường hợp bị tiểu đường biến chứng bàn chân. Có người còn biết bệnh từ trước nên khi thấy có nhọt là họ đến bệnh viện ngay nhưng có những người họ không biết đến bệnh tiểu đường, bệnh phát triển âm thầm đến khi chân loét hoại tử hết họ mới đi viện. Lúc này, các bác sĩ phải cắt bỏ bàn chân, cẳng chân.
Anh Vũ Quốc Bình đến từ Nghệ An, là bệnh nhân tiểu đường đang điều trị tại đây, cho biết anh mới phát hiện bệnh tiểu đường hơn 1 tuần. Đường huyết đang cao nên anh được các bác sĩ điều trị. Trong quá trình điều trị anh được bác sĩ tư vấn biến chứng có thể phải cắt bỏ chân tay vì bệnh này. Anh Bình vội chạy sang khoa Chăm sóc bàn chân để hỏi các bệnh nhân khác, tận mắt thấy căn bệnh tiểu đường nguy hiểm như nào. Lững thững quay trở về buồng bệnh, anh buồn rầu "Tôi lo lắng biến chứng này nhất. Tôi làm nông nghiệp, chuyện sứt chân, sứt tay khó tránh được lắm".
GS Tạ Văn Bình - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết bệnh lý bàn chân ở người đái tháo đường là một biến chứng của đái tháo đường. Đây là biến chứng thần kinh của người đái tháo đường. Ở Việt Nam ở tại thời điểm chẩn đoán đã có 90% người bị biến chứng thần kinh.
Trên thế giới cứ 20 giây có một người bị cắt chân vì đái tháo đường, còn 6 giây có một người tử vong vì bệnh đái tháo đường. Biến chứng bàn chân dễ nhìn thấy, để lại hậu quả tức thì mà bất cứ bệnh nhân bị đái tháo đường cũng lo sợ.
Theo Khánh Ngọc/Infonet