Antonio Garcia Martinez, cựu giám đốc quảng cáo của Facebook, bị sa thải vào năm 2013 sau hai năm làm việc đã ví làm việc tại Facebook "như sống tại Triều Tiên".
Theo ông, nhân viên nữ không được mặc trang phục có thể làm "phân tâm" nhân viên nam. Họ sẽ bị khiển trách nếu mang váy hay quần short quá ngắn. Giám đốc phòng nhân sự sẽ làm một bài phát biểu trước các nhân viên mới, trong đó yêu cầu phụ nữ phải tuân theo một quy định trang phục nghiêm khắc. Trước đây một nhân viên thực tập nữ thường mang quần short đến văn phòng đã bị khiển trách nghiêm trọng.
Mark Zuckerberg được cho là quản lý Facebook như Triều Tiên. Ảnh: EXPRESS.CO.UK
Trong khi đó, nhân viên nam không phải tuân theo bất cứ quy định trang phục nào. Martinez cho biết nhân viên mới đến phải trải qua nhiều cuộc phỏng vấn nhằm hướng nhân viên đi theo quan điểm của công ty. Martinez mô tả làm việc cho Facebook giống như ở trong một giáo phái với Zuckerberg là "giáo chủ" còn nhân viên là những "tín đồ chân chính".
Ngày mà một nhân viên gia nhập Facebook được gọi là "Faceversary" và được kỷ niệm như lễ rửa tội của các tín đồ Công giáo. Ngày này được xem như ngày sinh nhật thứ hai và tất cả mọi người sẽ chúc mừng tặng bong bóng cho nhân viên mới. Ngày bạn rời khỏi Facebook được xem như ngày "dứt tình". Facebook sẽ đăng tải ảnh thẻ ID không còn nguyên vẹn của bạn khi bạn bước ra khỏi cửa công ty.
Các nhân viên tại phòng truyền thông của Facebook đã đặt biệt danh cho Zuckerberg là "tiểu hoàng đế", do công ty có một lực lượng cảnh sát nội bộ làm, việc nghiêm ngặt như Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Lực lượng này có tên gọi "The Sec", theo dõi nhất cử nhất động của đội ngũ nhân viên, theo Antonio Garcia Martinez.
Ông chủ Facebook bị cáo buộc có chính sách phân biệt giới tính tại nơi làm việc. Ảnh: EXPRESS.CO.UK
Văn phòng của Zuckerberg còn có tên gọi là "Bể cá", vì tất cả bức tường bao quanh đều bằn kính. Trong khi đó phòng hội nghị của nữ giám đốc Sheryl Sandberg thì được đặt tên là "Chỉ nhận tin tốt", vì đó là tất cả những gì nữ giám đốc này muốn nghe bằng không cô sẽ "nổi trận lôi đình". Theo Martinez, nhân viên có nhiều ngày phải làm việc tới 20 giờ. Nhưng bù lại, nhà ăn công ty sẽ phục vụ tất cả bữa ăn trong ngày.
Cựu nhân viên này cũng khẳng định ông chủ Zuckerberg có những khẩu hiệu "khắc khổ", điển hình như "Không bao giờ hết việc" được vẽ trên tường văn phòng. Zuckerberg cũng đã chửi mắng nhân viên do không trang trí văn phòng theo cách mình muốn. Ông yêu cầu nhân viên sơn lại văn phòng mình nhưng khi nhìn thấy những hình vẽ "nguệch ngoạc" trên tường, anh đã gửi email chửi mắng thậm tệ: "Tôi tin tưởng anh sẽ tạo ra tác phẩm nghệ thuật nhưng thứ quái dị mà chính anh làm ra đã phá hoại nơi này."
Bảng viết phấn do các nhân viên vẽ và ghi chép tại Facebook. Ảnh: DAILYMAIL.CO.UK
Theo Martinez, ông chủ Facebook bị ám ảnh với sự bảo mật. Khi một nhân viên làm rò rỉ thông tin chi tiết về một sản phẩm sắp ra mắt, Zuckerberg đã gửi email cảnh cáo tới toàn thể nhân viên công ty với dòng tiêu đề: "Hãy từ chức đi". Zuckerberg đã rất tức giận với những nhân viên đã để lộ thông tin sản phẩm. Trong mail, Zuckerberg chỉ trích đạo đức nghề nghiệp của nhân viên này, cho rằng người này "đã phản bội" công ty.
Sau một vài lần tiếp xúc trực tiếp với Zuckerberg, Martinez cho rằng ông chủ Facebook rất lỗ mãng. Zuckerberg đã từng nhiều lần ngắt lời khi anh trình bày. Martinez kể lại rằng trong một cuộc họp về quảng cáo, Zuckerberg đã không xem lại chi tiết kỹ thuật bởi vì "không có kiên nhẫn để đọc".
Zuckerberg thường đưa ra các quyết định ảnh hưởng đến 1,6 tỉ người dùng Facebook chỉ dựa trên "cảm tính" và "tình hình chính trị" mà không cân nhắc kỹ càng quyết định đó, theo Martinez.
Martinez thậm chí còn viết trong sách rằng Zuckerberg đã từng nhốt cả công ty và không cho phép bất cứ ai rời khỏi tòa nhà khi Google cho ra mắt Google Plus. Tuy nhiên, sau khi nhận ra Google Plus không phải là mối đe dọa lớn, ông chủ Facebook cho rằng Google đã thổi phồng tính năng của mạng xã hội mới.
Ngoài Martinez, Katherine Losse cũng viết cuốn sách khác cáo buộc Facebook có hành vi phân biệt giới tính. Cuốn sách còn cho biết nhân viên nữ phải làm người chào đón khách ở một số hội nghị của Facebook.
Hiện Facebook vẫn chưa bình luận về cuốn sách của Antonio.