TP.HCM: Đang cách ly 4 người nghi nhiễm bệnh đến từ Vũ Hán

Chiều 1-2, tại cuộc họp triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) tại UBND TP.HCM do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chủ trì, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh báo cáo đang cách ly ba người trong một gia đình người Pháp năm người, làm việc ở Vũ Hán.

Xét nghiệm Corona bốn người

Gia đình này đã đi du lịch xuyên Việt trong dịp tết và có dấu hiệu nhiễm bệnh đường hô hấp. Ba người này đang được cách ly tại BV Nhi đồng thành phố. Ngoài ra, một người đàn ông quá cảnh 2 tiếng tại sân bay Vũ Hán, sau đó về nước có dấu hiệu nhiễm bệnh đường hô hấp cũng đang được cách ly.

Cả bốn trường hợp được cách ly đang được theo dõi, hiện sức khỏe ổn định và đang chờ kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TP.HCM. Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, Sở Y tế TP.HCM vẫn đang tiếp tục theo dõi các ca tiếp xúc với người có dấu hiệu nghi nhiễm bệnh.  

Theo báo cáo, cho đến thời điểm này, TP.HCM vẫn chưa ghi nhận ca bệnh mới do chủng virus ncoVy gây ra ngoài trường hợp hai cha con người Trung Quốc được điều trị tại BV Chợ Rẫy. Tuy nhiên, không loại trừ dịch bệnh tiếp tục xâm nhập vào thành phố và lây lan trong cộng đồng với nguy cơ rất cao.

Phát tờ rơi đến từng hộ dân

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, quan trọng nhất là mỗi người dân phải tự biết cách phòng bệnh nên công tác truyền thông rất quan trọng. Ông Phong yêu cầu Sở TT&TT TP.HCCM in ấn tờ rơi và phát đến từng hộ dân, khu phố, tụ điểm công cộng, khách sạn để mọi người nắm thông tin và hiểu đúng về dịch bệnh.

Sở Y tế phối hợp Sở Công Thương cung cấp nước rửa tay sát trùng, khẩu trang đạt tiêu chuẩn cho người dân và khách vãng lai có thể phòng bệnh, tính toán hệ thống phân phối, có kế hoạch cụ thể. Bên cạnh đó, chuẩn bị trang thiết bị y tế, đồ bảo vệ cho đội ngũ nhân viên y tế.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP phải lên kế hoạch cụ thể, chủ động phòng, chống dịch bệnh cho học sinh... Ngoài ra, trên cơ sở kế hoạch phòng chống dịch của TP, UBND quận, huyện, các sở, ngành, đơn vị của TP phải sớm xây dựng, triển khai kế hoạch sát tình hình địa phương, đơn vị.  

Đại biểu các sở, ngành bàn phương pháp chống dịch Corona xâm nhập vào TP.HCM. Ảnh: HL

Cần theo dõi sát ca bệnh ở Khánh Hòa

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cũng cho biết Sở Y tế đã đặt ra những tình huống giả định để áp dụng các biện pháp khoanh vùng, cách ly với người tiếp xúc với ca bệnh hoặc chăm sóc trực tiếp người bệnh... để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.

Các trường hợp này được khuyến cáo ở nhà trong vòng 14 ngày hoặc đeo khẩu trang khi đến nơi đông người và báo cáo kịp thời với Sở Y tế để được cách ly, kiểm soát thân nhiệt tại nhà.  

Bàn về kế hoạch phòng, chống dịch, Chủ tịch Hội y tế công cộng Lê Trường Giang góp ý TP.HCM nên theo sát tình hình ca bệnh ở Khánh Hòa. Ông Giang cho rằng số lượng người tiếp xúc với cô tiếp viên có thể rất nhiều và đã di chuyển đi nhiều nơi, không loại trừ nguy cơ đang ủ bệnh.

Theo ông Giang, những người nếu đã tiếp xúc người mắc bệnh hay nghi ngờ mắc bệnh cần thiết phải cách ly tại nhà, nên hạn chế di chuyển. “Nếu Khánh Hòa có thêm người lây nhiễm thì TP.HCM rất có nguy cơ...” - ông Giang cảnh báo.

Khó quản lý khách du lịch tự túc

TP.HCM là địa bàn tập trung các đơn vị du lịch khai thác tour du lịch đi đến Trung Quốc. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa - Du lịch TP.HCM cho biết TP có 17 doanh nghiệp lớn chuyên khai thác loại tour này. Từ ngày 28-1, Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp dừng các tour và hoàn trả kinh phí, hoán chuyển phí du lịch qua chuyến khác. Các khách du lịch đều hợp tác và chia sẻ thiệt hại một phần cùng với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Vũ lo ngại chỉ có hơn 20% lượng khách du lịch đi thông qua công ty còn 70% là tự thân. Đây là vấn đề khó khăn trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, do đó Sở Y tế đã yêu cầu các hệ thống khách sạn triển khai lấy thông tin lưu trú của khách để kịp thời báo cáo tình hình.

Chung tay ngăn ngừa phòng chống dịch bệnh, Hiệp hội Du lịch TP.HCM và các câu lạc bộ đã đóng góp kinh phí mua khẩu trang để phát miễn phí tại nơi tham quan đông người tại TP.HCM. Theo ông Vũ, việc làm này cũng góp phần cảnh báo, thông tin nhắc nhở cho du khách và người dân.  

Cùng với đó, TP.HCM là nơi tập trung các lao động Trung Quốc trở về làm việc sau dịp tết Nguyên đán. Ông Lê Minh Tấn, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết hiện TP có 3.571 người Trung Quốc đang được cấp phép lao động ở TP.HCM, trở về ở cửa khẩu. Hiện tại, số người này đang được theo dõi sát tình hình sức khỏe và các khu chế xuất, khu công nghiệp đang được đề nghị hạn chế và chưa cho số lao động chuyên gia, quản lý vào TP làm việc.

Không lo thiếu khẩu trang giá hợp lý

Trước tình hình người dân săn lùng khẩu trang và nước rửa tay, ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP.HCM cho biết đang phối hợp với Sở Công Thương giao cho 35 doanh nghiệp gấp rút sản xuất khẩu trang phục vụ nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, Sở Y tế cùng các đơn vị chức năng đang quyết liệt kiểm tra và kiến nghị đóng cửa những cơ sở nhà thuốc bán phá giá khẩu trang, niêm yết giá một đường bán một nẻo.

Người dân mua khẩu trang phòng dịch Corona trên đường Thành Thái (quận 10). Ảnh: HL

“Ngay sáng hôm nay (1-2), từ phản ánh của người dân, Sở Y tế đã kiểm tra và xử lý một nhà thuốc ở quận 10 và phát hiện một nơi găm mặt hàng khẩu trang và bán đội giá” - ông Dũng nêu.

Ngoài ra, tại điểm bán hàng của Sài Gòn Coop Mart, từ giữa tuần sau trở đi, người dân có thể đến mua khẩu trang với giá không đổi (khẩu trang bốn lớp 48.000  đồng hộp/50 cái và  khẩu trang ba lớp 38.000 đồng hộp/50 cái).

Ông Dũng cũng lưu ý người dân nên chọn khẩu trang có nhãn mác, đóng gói, xuất xứ rõ ràng ở các nhà thuốc bán lẻ hoặc các siêu thị. “Khẩu trang đủ tiêu chuẩn phải có công bố sản phẩm theo quy định pháp luật” - ông Dũng nêu.

 

TP.HCM lập Ban chỉ đạo phòng, chống corona

Chiều 1-2, tại cuộc đại diện Sở Y tế TP đã công bố quyết định của UBND TP thành lập Ban Chỉ đạo TP về phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do Corona (nCoV).

Cụ thể, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong là trưởng Ban chỉ đạo, phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm làm phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo. Cùng với đó, Ban chỉ đạo còn có hai phó trưởng ban khác và 49 thành viên. Tổ thư ký Ban chỉ đạo gồm 11 người.

Theo quyết định, Ban chỉ đạo sẽ căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh, kịp thời xây dựng kế hoạch, giải pháp, phương án, kinh phí phòng, chống dịch cụ thể và tham mưu UBND TP triển khai các giải pháp hữu hiệu nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, khống chế và dập tắt kịp thời dịch bệnh, bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân TP.

Cùng với đó là chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra giám sát hoạt động phòng, chống dịch bệnh của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị. Chỉ đạo công tác phối hợp liên ngành, điều phối các nguồn lực, huy động hệ thống chính trị và cộng đồng tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm