Trở lại sau hai năm cả nước căng mình chống đại dịch COVID-19, diễn đàn với nhiều nội dung quan trọng được dư luận chờ đón như một tín hiệu cho sự phục hồi và phát triển đột phát của kinh tế TP.HCM.
Sự kiện này dự kiến thu hút hơn 900 đại biểu, bao gồm lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành; đại diện các cơ quan ngoại giao; địa phương nước ngoài; định chế tài chính quốc tế; chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp…
Diễn đàn tiếp nối một loạt chuyến công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới các địa phương vừa qua nhằm nắm bắt thực tiễn, lắng nghe đề xuất và chỉ đạo phát triển kinh tế khi Việt Nam về cơ bản đã khống chế được dịch bệnh.
Đặc biệt, mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư vào 55 dự án tại hai huyện Hóc Môn, Củ Chi (TP.HCM) có tổng mức đầu tư hàng chục tỉ USD. Chủ tịch nước khẳng định: TP phải mở rộng không gian sinh tồn, mở rộng phát triển đô thị để giải tỏa các áp lực hiện nay vì chiếc áo đang mặc đã quá chật.
Những hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đang truyền đi thông điệp: Đã đến lúc cả nước chung vai, sát cánh nhanh chóng khắc phục hậu quả của đại dịch, vực dậy nền kinh tế và phát triển mạnh mẽ.
Chủ đề của diễn đàn năm nay tập trung vào kinh tế số. Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2022, đại dịch COVID-19 cho thấy số hóa trong hoạt động của doanh nghiệp và đời sống của người dân trở nên cần thiết hơn.
Thực tế nhiều biến động trong thời gian qua càng chứng minh những mô hình tổ chức, kinh doanh tiết giảm nhân lực, mặt bằng, thời gian, quãng đường di chuyển… đang ngày một chiếm ưu thế, từ đó làm thay đổi tư duy của toàn xã hội.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, tỉ trọng nền kinh tế số trong quy mô GRDP của TP năm 2021 vào khoảng 13,71%-15,72%, tương đương 191.768 tỉ đồng.
TP.HCM đặt mục tiêu nền kinh tế số chiếm 25% năm 2025 và 40% năm 2030 trong GRDP. Năm nay, kinh tế số có mục tiêu đóng góp 15% GRDP. Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM sẽ đề xuất xây dựng TP thành trung tâm công nghệ tài chính (Fintech hub); đề xuất các chính sách thử nghiệm (sandbox) về chuyển đổi số; hoàn thiện Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số - DXCenter.
Việt Nam thuộc nhóm ít các nước trên thế giới sớm ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Mục tiêu được đề ra: Đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; năm 2030 chiếm 30% GDP. Trong bức tranh tổng thể ấy, TP.HCM chiếm vai trò quan trọng.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, từng đánh giá TP có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế số. Đây là một trong những địa phương có số dân sử dụng điện thoại thông minh cao nhất nước. Hạ tầng cáp quang, Internet băng thông rộng, hệ thống 3G, 4G phủ 100% phường, xã, thị trấn.
Tuy vậy, chúng ta cũng cần nhìn vào thực tế là sự hiểu biết về kinh tế số của người dân, doanh nghiệp hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Vậy nên Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2022 là dịp để cùng bàn bạc, nắm bắt cụ thể về hoạt động kinh tế đầy hứa hẹn này. Đồng thời, đây cũng là sự kiện truyền cảm hứng đến từng người dân, doanh nghiệp để cùng đưa TP.HCM phát triển đột phá.