Chiều 28-4, sau một ngày xét xử, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án vụ Văn Kính Dương và đồng phạm về các tội sản xuất, buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; trốn khỏi nơi giam giữ; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Theo đó, toà bác tất cả các kháng cáo xin giảm nhẹ án lẫn phần dân sự, tuyên ý án sơ thẩm (trong đó bị cáo Dương lãnh án tử hình, Ngọc bị phạt 16 năm tù).
Trong suốt thời gian diễn ra phiên xử, bị cáo Dương luôn tỏ ra bình tĩnh thi thoảng cười với các đồng phạm. Bị cáo Dương thường xuyên nhìn về phía bị cáo Ngọc. Theo hồ sơ trước khi bị bắt vào tháng 4-2017, Dương và Ngọc có một con chung nhưng không là vợ chồng hợp pháp.
Tình tiết đáng chú ý là trong thời gian toà nghị án, Dương từ hàng ghế trên chồm xuống khoác tay và hôn bị cáo Ngọc. Phóng viên báo chí đã chụp được khoảnh khắc này và ngay sau khi đăng tải hình ảnh hai bị cáo hôn nhau đã lan truyền nhanh trên mạng xã hội.
Hình ảnh hai bị cáo hôn nhau khi tòa nghị án (chụp từ màn hình Kenh14.vn)
Bình luận về hình hảnh này, một kiểm sát viên công tác tại VKS TP.HCM (xin không nêu tên) cho rằng nguyên nhân là do sự lơ là, thiếu sót của lực lượng cảnh sát tư pháp. Tuy nhiên ông cũng chia sẻ, hai bị cáo này từng sống với nhau như vợ chồng và có một con chung nên việc họ tranh thủ trao đổi và thể hiện chút tình cảm với nhau cũng có thể thông cảm.
Bởi tuy là bị cáo nhưng cũng vẫn được tôn trọng tâm tư và tình cảm, đồng thời cũng thể hiện tính nhân văn. Bị cáo Dương đã lãnh án tử, đã trải qua một thời gian dài xa cách nhau, việc hai bị cáo hôn nhau khi toà nghị án cũng không nên quá khắt khe.
Đồng tình luật sư Lê Hà Gia Thanh, đoàn Luật sư TP.HCM nói: "Chúng ta nên có cái nhìn thông cảm hơn là làm nghiêm trọng vấn đề". Theo luật sư Thanh phiên toà diễn ra khá nhanh, hai bị cáo chỉ tranh thủ ít phút khi nghị án thể hiện tình cảm thì có thể thông cảm được.
Tuy nhiên một luật sư khác thuộc đoàn luật sư TP.HCM thì cho rằng việc để hai bị cáo hôn nhau như vậy là vi phạm nội quy phiên toà. Ngoài ra chốn pháp đình là nơi thể hiện sự tôn nghiêm việc để các bị cáo hôn nhau như thế không nên vì tạo ra hình ảnh phản cảm. Chưa kể quá trình gần gũi trao đổi các bị cáo có thể thông cung với nhau, ảnh hưởng đến nội dung vụ án.
Theo quy định những người tham gia tố tụng và người tham dự phiên tòa phải chấp hành nội quy phiên tòa theo Điều 256 Bộ luật TTHS 2015 và tại Điều 3 Thông tư số 02/2017/TT-TANDTC của Chánh án TANDTC ngày 27/8/2017 về ban hành quy chế nội quy phiên tòa.
Điều luật quy định, tại phiên tòa, bị cáo đang bị tạm giam chỉ được tiếp xúc với người bào chữa cho mình. Việc tiếp xúc với những người khác phải được chủ tọa phiên tòa cho phép. Lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa và các lực lượng khác làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa có trách nhiệm bảo vệ trật tự phiên tòa và thi hành các quyết định của chủ tọa phiên tòa, HĐXX.
Người vi phạm nội quy phòng xử án thì tùy từng trường hợp có thể bị chủ tọa buộc rời khỏi phòng xử án hoặc khu vực xét xử, xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ hành chính. Trường hợp hành vi của người vi phạm nội quy phiên tòa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì HĐXX có quyền khởi tố vụ án hình sự…