Theo Phó Thủ tướng, quan trọng là khâu quản lý, vận hành an toàn có đúng quy trình và đảm bảo môi trường hay không.
Vấn đề quản lý ở đây được Phó Thủ tướng nhấn mạnh là từ khâu duyệt thiết kế, thẩm định công nghệ, báo cáo đánh giá tác động môi trường có được thực hiện đúng quy định không. Đó là trách nhiệm của các cơ quan quản lý và chủ đầu tư…
Về thông tin mưa lũ miền Trung, cùng ngày, người dân đã vớt được thi thể chị Ngô Thị Thanh (42 tuổi, trú thôn Đại Thanh, Đức Quang, Đức Thọ, Hà Tĩnh) bị nước lũ cuốn trôi và tổ chức lễ an táng cho chị. Cho đến tối 2-11, tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn gần 1.000 hộ dân bị ngập nước, lũ đang rút chậm, nhiều xã ở huyện Hương Khê, Cẩm Xuyên, Vũ Quang đang bị chia cắt.
Nước tràn về gây ngập ở Hội An. Ảnh: HT
Cùng thời điểm này, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã đề nghị UBND tỉnh cho xả lũ tại hồ Định Bình. Đập Văn Phong đã mở 10 cửa đập để xả lũ. Các hồ Thuận Ninh, Vạn Hội đang bắt đầu xả nước; gần 30 hồ chứa khác đã đầy nước. Trong khi đó, khu vực tỉnh Bình Định tiếp tục có mưa rất to, dự báo lũ tiếp tục lên nhanh, dâng cao.
Tại Quảng Bình, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 12A, quốc lộ 15, quốc lộ 9B bị ngập sâu cục bộ 0,8-1 m, có nơi ngập sâu 2,5-3 m; ách tắc đường tại tám điểm.
Lũ cũng đã làm một người mất tích là anh Hoàng Hữu Thành, trú xã Cam Hiếu (Cam Lộ, Quảng Trị) và năm người bị thương.
Trong chiều 2-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM,ông Huỳnh Tấn Đức, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, cho hay đang chỉ đạo các thủy điện Đắk Mi 4, Sông Bung 4, 4A… giảm lưu lượng xả lũ. Sau khi các thủy điện trên xả lũ thì nhiều nơi tại vùng hạ lưu huyện Đại Lộc đã ngập trong biển nước. Nhiều đoạn đường bị chia cắt do ngập lũ, giao thông bị ách tắc nghiêm trọng.
Nhiều hộ dân sống ở TP Hội An (Quảng Nam) đã thu dọn đồ đạc để phòng lũ bất ngờ tràn vào nhà trong đêm. Nước lũ cũng đang dâng lên mép tuyến đường dẫn vào di tích chùa Cầu. Mực nước tại sông Hoài, Thu Bồn đang dâng cao do tình trạng xả nước thủy điện ở vùng thượng nguồn.