'Việc hệ trọng sao chỉ nhắn tin báo xả lũ'

Tại buổi làm việc, ông Đỗ Đức Quân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Bộ Công Thương (dẫn đầu đoàn công tác về làm việc với Nhà máy thủy điện Hố Hô ngày 17-10) đã báo cáo những thông tin liên quan đến việc xả lũ của nhà máy mà đoàn kiểm tra được.

'Việc hệ trọng sao chỉ nhắn tin báo xả lũ' ảnh 1Ông Đinh Hữu Tân, Bí thư Huyện ủy Hương Khê: Trời ơi, việc hệ trọng trọng liên quan đến tính mạng con người sao chỉ có thể nhắn tin như vậy được. Ảnh: Đ.Lam

Ông Quân phát biểu cho rằng phía Nhà máy thủy điện Hố Hô vẫn còn nhiều thiếu sót trong công tác kiểm tra và phối hợp với địa phương trong việc thông báo xả lũ. Từ ngày 13 đến trưa 14-10 lũ về nhỏ. Nhưng từ chiều 14-10 đến tối thì lũ về nhanh và đột ngột. Chỉ năm tiếng đồng hồ lũ tăng gấp bốn lần. Giai đoạn đầu nhà máy đáp ứng được yêu cầu xả ít hơn nước về. Lúc 18 giờ 30 chiều 14-10, nhà máy xả tràn tự do là do xuất hiện sự cố bất ngờ khi trên vai phải đập bị một vết sạt trượt đất lớn.

Ông Quân nói: "Nếu không có tình huống bất ngờ sạt trượt đất trên thì có thể mở cửa van từ từ và giảm bớt được lũ.

Nhưng trong tình huống đặc biệt thì mở hết cửa van là có thể chấp nhận được. Về mặt xả lũ thì không được hay lắm nhưng mặt an toàn thì chấp nhận được".

Ông Quân cũng cho biết việc phối hợp giữa nhà máy với chính quyền địa phương và với người dân trong những ngày vừa qua là chưa đầy đủ, chưa thực hiện tốt.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đinh Hữu Tân, Bí thư Huyện ủy Hương Khê, nhấn mạnh: "Với góc độ người đứng đầu ở huyện tôi thấy việc phối hợp chưa tốt dẫn đến trách nhiệm hai bên. Một là trách nhiệm địa phương trong việc giám sát, chỉ đạo điều hành. Người bị thiệt hại nhất là người dân. Cái này địa phương cũng làm chưa tốt. Thứ hai là thông báo của nhà máy, cái giấy xanh xanh này đến giờ tôi mới nhận được (ông Tân đưa giấy thông báo lên), tôi giờ mới nhìn thấy đây này.

Cái thông báo số 10 này chỉ điều hành trong phạm vi ngày 12-10 thôi, còn yếu tố phòng tránh lụt bão phải là 12 đến 16-10 thì nó lại không phải. Đặc điểm của thủy điện Hố Hô không có hồ chứa, cho nên nó rất không an toàn. Năm 2010 vì mất điện đột xuất, không xả được cửa van nên nước vòng lên cao trình 72.

Lúc đó tôi đang làm chủ tịch, Quân khu 4, lãnh đạo tỉnh đã về đây tính đến phương án nổ mìn để giải phóng. Tính đến phương án thì lại cũng ảnh hưởng đến hàng vạn dân phía dưới, cuối cùng tính phương án không nổ mìn, tìm cách xử lý từng bước một.

'Việc hệ trọng sao chỉ nhắn tin báo xả lũ' ảnh 2
Nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ. Ảnh: Đ.Lam

Lâu nay chúng ta bàn phương án là một là phải tìm cái tràn phụ thoát nước lòng hồ này, nếu đảm bảo không an toàn thì nó chảy qua đó nhưng lại không làm được cái đó.

Việc xả lũ vừa qua chưa ăn thua gì so với trường hợp vỡ đập đâu, nếu vỡ đập phải có tràn phụ nó chảy đi chứ. Tôi nói các đồng chí tình hình này có thể tiếp tục xảy ra như thế nữa. Phía nhà máy nói sạt lở đất nên mở hết cửa xả lũ hết cỡ 1.800 m3/giây là việc đương nhiên. Tôi nói nếu không làm được tràn phụ thì phải thống nhất một nguyên tắc là phải xả trước khi lũ đến để đảm bảo an toàn.

Xả 1.800 m3/giây là phải xả trước đó chứ không phải chờ đến tối 14-10 mới xả thì chỉ là an toàn cho đập thôi. Sao nhà máy xả hết nước trong tối 14-10, đến sáng 15-10 thì  đã xả xuống dưới cao trình, xả hết đi rồi. Rõ ràng xả lũ khiến thiệt hại cho dân. Rõ ràng việc quy trình để điều tiết nước tránh lũ là chưa đạt yêu cầu.

Ở đây không biết các đồng chí chủ tịch xã có nhận được thông tin gì thông báo xả lũ từ ngày 12 đến 16-10, đặc biệt là đêm 14-10 xả như thế nào?. Hôm họp đồng chí Thông (lãnh đạo nhà máy - PV) có nói tôi có nhắn tin. Trời ơi, việc hệ trọng liên quan đến tính mạng con người sao chỉ có thể nhắn tin như vậy được.

Ở đây mình phải đổi mới, tôi đã chỉ đạo chủ tịch huyện là trước khi bão số 7 đến phải giám sát, đặt mực nước đến mức an toàn".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm