Hình ảnh vị bác sĩ mặc nguyên áo blouse trắng đứng giữa chợ xin tiền cho một việc từ thiện khẩn cấp đã làm lay động bao trái tim. Ở một thị trấn nghèo nhưng chỉ trong vài giờ, từ 10 đến 12 giờ trưa, anh đã quyên góp được gần 7 triệu rưỡi đồng, tạm đủ đưa hai cháu về BV Việt Đức chuẩn bị mổ tách. Anh cũng đưa trường hợp này lên mạng xã hội. Và với sự lan tỏa nhanh của mạng xã hội, rất nhiều người đã chung tay đóng góp lo cho ca phẫu thuật tách rời hai cháu. Đến chiều, số tiền quyên góp đã lên hơn 40 triệu đồng và còn tiếp tục. Cũng trong buổi chiều 15-7, bộ trưởng Bộ Y tế đã tặng bằng khen cho BS Chung và đề nghị BV Việt Đức tạo điều kiện tốt nhất chăm sóc hai cháu bé. Vị bác sĩ nhân hậu này đã khiêm tốn nói anh rất ngại, anh cho đó là chuyện bình thường thôi. Ôi đáng quý biết bao cái “bình thường thôi” của vị bác sĩ ở một huyện nghèo vùng cao ấy.
Mặc dù đã có rất nhiều người viết về hành động đáng quý của BS Chung nhưng tôi vẫn xin mượn mục “Câu chuyện văn hóa” kỳ này để viết thêm vài điều về chữ tâm. Vị bác sĩ ở một bệnh viện nhỏ vùng cao nghèo khó nhưng anh có một cái tâm lớn. Anh đã làm một việc mà anh cho là bình thường thôi nhưng sao tôi vẫn cứ rưng rưng khi nghĩ đến hình ảnh anh mặc áo blouse trắng đứng giữa chợ xin tiền cứu giúp số phận mong manh của hai bé sơ sinh tội nghiệp. Tôi cũng hết sức ngạc nhiên khi nghe đâu có ý kiến phê bình vị bác sĩ đáng quý này đi “sai quy trình”. Lại quy trình. Người ta đã mượn cớ “đúng quy trình” để làm bao điều sai trái, thậm chí thất đức. Tôi lại nhớ đến một ông tiến sĩ mổ xẻ chuyện làm từ thiện trong một chương trình gây tranh cãi trên truyền hình. Ông “tiến sĩ giấy” này bảo nhóm bạn trẻ làm từ thiện mang quần áo miền xuôi lên cho các em bé dân tộc thiểu số rách rưới ở vùng Tây Bắc mặc vào sẽ bị mất bản sắc dân tộc!!! Cũng trong cuộc tranh luận về chuyện làm từ thiện nói trên, tôi tâm đắc với các bạn trẻ khi họ nói rằng họ làm từ thiện để thể hiện lòng yêu thương với mọi người và để trong cuộc sống cảm thấy thanh thản. Do vậy, dù vì cái gì thì việc làm từ thiện đều đáng quý. Nghi ngờ lòng tốt và dùng những lý thuyết xơ cứng để mổ xẻ cái tâm của người làm từ thiện là bất nhẫn và bất nhân.
Nhân đây tôi cũng xin kể một câu chuyện về cái tâm. Một nhà báo kỳ cựu nay đã nghỉ hưu kể anh có bạn là một vị hòa thượng. Một lần ông bảo với vị hòa thượng rằng báo ông đã có bài phóng sự điều tra về những sư giả, cũng mặc áo vàng đi khất thực, lừa nhiều bổn đạo cúng dường. Ông nhà báo bảo Giáo hội Phật giáo phải có biện pháp dẹp cái đám sư giả đó, những con sâu làm rầu nồi canh Phật pháp. Không ngờ vị hòa thượng mỉm cười, bảo tuy những sư giả đó đi khất thực lừa bổn đạo là bậy nhưng khi họ mặc áo cà sa đi khất thực thì họ cũng đã khơi gợi cho nhiều người hướng thiện và những bổn đạo bị lừa đó cũng chẳng biết là bị lừa nên cái tâm từ bi cũng được thể hiện. Còn mấy vị sư giả kia, họ lừa gạt bổn đạo thì họ phải tội. Ông nhà báo nghe ra thấy thấm và cảm kích cái tâm của một bậc chân tu.