TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương (Hà Nội), cho biết thời gian gần đây số bệnh nhân mắc bệnh viêm não Nhật Bản tăng cao bất thường so với thời gian này năm ngoái, chiếm gần 30% số ca viêm não (năm 2013 chỉ chiếm 8%). Tại BV này đã có hai ca tử vong.
Đa số chưa tiêm vaccine
Hiện BV Nhi Trung ương đang điều trị 10 bệnh nhân viêm não Nhật Bản. Trong số này có sáu bệnh nhân phải thở máy, tình trạng hết sức nguy kịch. Tại khoa Truyền nhiễm của BV, cháu PQT (chín tuổi) đang trong tình trạng sức khỏe rất xấu, sốt cao 39-40 độ. Cháu nằm mê man, cơ thể co cứng, nhiều lúc lên cơn co giật. Theo gia đình, cháu T. chưa được tiêm vaccine ngừa viêm não Nhật Bản.
Tại khoa Nhi BV Bạch Mai và BV Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), số bệnh nhân bị viêm não Nhật Bản đang điều trị cũng tăng cao. Theo PGS-TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, hầu hết trẻ mắc bệnh viêm não Nhật Bản đều chưa tiêm hoặc tiêm không đầy đủ các mũi vaccine phòng bệnh.
Chăm sóc bệnh nhân viêm não Nhật Bản ở BV Nhi Trung ương (Hà Nội). Ảnh: H.HÀ
Còn tại TP.HCM, ngày 27-6, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1, cho biết tại khoa có tám trẻ bị viêm não Nhật Bản đang điều trị. Trong khi tại BV Nhi đồng 2 số trẻ bị bệnh này là 10 em. Theo BS Khanh, số trẻ nhập viện có tăng hơn so với bình thường nhưng không nhiều vì mô hình bệnh tật tại TP.HCM khác các tỉnh, thành khác. Tại TP.HCM, bệnh viêm não Nhật Bản xảy ra rải rác quanh năm và tăng nhẹ vào mùa này chứ không vào mùa hè như miền Bắc.
Gây biến chứng cao
BS Đỗ Thiện Hải, Phó khoa Truyền nhiễm BV Nhi Trung ương, cho biết:
“Dấu hiệu quan trọng để nhận biết người bị viêm não Nhật Bản là ở giai đoạn sớm, người bệnh có hiện tượng nôn khan không vì lý do ăn uống. Ở trẻ lớn, dễ nhận biết hơn vì bị đau, cứng gáy. Nếu không được bác sĩ xử lý kịp thì tình trạng rối loạn ý thức tăng lên và tử vong. Bệnh nhân có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt (trong ba ngày đầu)”. Không để cho bệnh nhân co giật nhiều, không cho suy hô hấp, thiếu ôxy não, phù não… Tuy nhiên, bệnh này tỉ lệ biến chứng cao, khoảng 20%-30% tử vong, 50% bị di chứng não.
Về nguyên nhân, BS Trương Hữu Khanh cho biết có một loại muỗi chích vào heo hoặc chim có mang virus viêm não Nhật Bản và sau đó chích vào người và gây bệnh cho người. Con muỗi này đặc biệt sống ở vùng ruộng lúa.
Chưa có thuốc trị đặc hiệu
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước có 280 ca mắc viêm não, trong đó có bốn trẻ tử vong. Cho đến nay, khoa học vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh viêm não do virus. Do đó, việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ, nâng cao thể trạng cho bệnh nhi và chữa triệu chứng chống co giật, hạ sốt.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, hiện nay tiêm vaccine là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa viêm não Nhật Bản. Năm 2014, lần đầu tiên dự án tiêm chủng mở rộng triển khai tiêm phòng vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ ở toàn bộ 63 tỉnh, TP. Các bậc phụ huynh cần chú ý để đưa con em đi tiêm đúng thời điểm và đầy đủ các mũi tiêm để đạt hiệu quả phòng bệnh.
Tuy nhiên, theo BS Trương Hữu Khanh, TP.HCM không phải địa bàn nguy cơ về bệnh viêm não Nhật Bản nên vaccine ngừa bệnh không có trong chương trình tiêm chủng mở rộng (miễn phí) mà chỉ có tiêm dịch vụ. Theo đại diện Viện Pasteur TP.HCM, vaccine ngừa viêm não Nhật Bản là loại vaccine trong nước sản xuất được, số lượng dồi dào. Chi phí một mũi tiêm trên dưới 120.000 đồng tùy từng đơn vị tiêm.
HUY HÀ - DUY TÍNH
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân nên đưa con đi tiêm phòng vaccine đầy đủ, đúng lịch. Mũi một lúc trẻ được một tuổi; mũi hai sau mũi một 1-2 tuần; mũi ba cách mũi hai một năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương thì cần phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu Cục Y tế dự phòng rà soát công tác tiêm chủng vaccine để có những xử lý kịp thời. “Dù chưa có số liệu thống kê trên diện rộng ở nhiều BV trong cả nước về viêm não và viêm não Nhật Bản nhưng những vấn đề trên xảy ra tại BV Nhi Trung ương là rất đáng lưu tâm và cần cảnh báo ngay, đồng thời tìm nguyên nhân sớm để chủ động có biện pháp khống chế” - bà Tiến nói. |