Nhiều góp ý trong việc xây dựng nhà ở giá rẻ, nhà ở, nhà cho thuê cho công nhân, người lao động đã được đưa ra tại hội thảo “Giải pháp an cư cho công nhân lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, do báo Tiền Phong tổ chức ngày 24-9 tại TP.HCM.
Dự án nhà giá rẻ gặp khó
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, nhận định thời gian qua chính sách nhà ở cho công nhân lao động được đảng, Nhà nước rất quan tâm. Các dự án nhà ở cho công nhân được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp (DN); trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN nhiều hơn so với xây dựng nhà ở để cho thuê, mua bán… Hộ gia đình, cá nhân tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân cũng được hưởng nhiều ưu đãi.
Dự án nhà công nhân hiện nay đã hoàn thành được 100 dự án, quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn với tổng diện tích hơn hai triệu m2. Tuy nhiên, số lượng căn hộ này vẫn chẳng thấm vào đâu khi chỉ mới đáp ứng được khoảng 28% so với nhu cầu nhà ở của người lao động.
Bên cạnh đó, ông Ninh chỉ ra việc triển khai các dự án nhà ở xã hội còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, cái khó lớn nhất là nguồn vốn. Sau khi gói tín dụng cho vay ưu đãi 30.000 tỉ đồng kết thúc, ngân sách nhà nước vẫn chưa bố trí được nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để cho vay nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở.
“Hiện có tới 226 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, quy mô xây dựng khoảng 182.200 căn nhưng hầu hết đều bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Thậm chí nhiều chủ đầu tư dự án đang xin chuyển đổi sang làm nhà ở thương mại. Số lượng nhà ở xã hội cung ứng ra thị trường thời gian gần đây rất hạn chế.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội. Hầu hết DN kinh doanh bất động sản chưa quan tâm, tích cực tham gia đầu tư nhà ở xã hội do vướng mắc về thủ tục và lợi nhuận bị khống chế” - ông Ninh nói.
Nhà ở giá rẻ luôn là mong ước của người lao động, nhất là người có thu nhập thấp. Ảnh: HTD
Giới hạn đối tượng mua nhà giá rẻ
Để tháo gỡ bài toán an cư cho người lao động, theo ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng Liên đoàn đã triển khai đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”. Theo tính toán ban đầu, mỗi căn hộ có diện tích 30-45 m2 gồm phòng khách, phòng ngủ, bếp, nhà vệ sinh… có giá từ 150 triệu đồng trở lên.
Ông Văn Anh tính toán: Nếu mỗi cặp vợ chồng tiết kiệm 1,8-2 triệu đồng/tháng, trong khoảng 5-7 năm sẽ mua được nhà ở diện tích 30 m2. Ðối tượng được mua nhà phải là đoàn viên công đoàn, người lao động đang làm việc tại DN, công chức, viên chức cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, cần xã hội hóa đầu tư, huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế, nhất là coi trọng và phát huy vai trò của khu vực tư nhân. Đây là phương thức hiệu quả nhất để phát triển nhà ở, giải quyết bài toán nhà ở, đáp ứng tình trạng gia tăng dân số tại TP.HCM.
“Nhà nước thực hiện phổ biến phương thức đấu giá đất công khai hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư các dự án khu đô thị, khu dân cư, khu nhà ở. Đồng thời, Nhà nước vừa là người ban hành luật chơi, tạo sân chơi, vừa đóng vai trò trọng tài, điều phối để thực hiện các mục tiêu phát triển nhà ở, đảm bảo các lợi ích của người dân, DN và an sinh xã hội” - ông Châu chia sẻ.
Góp ý thêm, ông Phạm Xuân Trình, Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Phong Phú, cho biết để phát triển nhà ở giá rẻ cho người lao động phải xây dựng tiêu chuẩn và điều kiện được mua nhà, thời gian làm việc của công nhân được mua nhà với DN.
Thứ hai, phải xây dựng nhà có giá phù hợp với người lao động như quỹ đất giá rẻ, chi phí xây dựng thấp (nhưng phải đảm bảo an toàn và chất lượng), ngay cả diện tích nhỏ cũng cần phải tính tới, đương nhiên không bỏ qua vấn đề lợi nhuận cho DN. Ngoài ra, DN phải hỗ trợ thanh toán cho người dân bằng nhiều hình thức như đóng trước tiền nhà 20%-30%, phần còn lại trừ vào lương theo tiến độ nhiều năm để người lao động có đủ kinh phí vừa trả tiền nhà, vừa trang trải cuộc sống. DN cần tìm nguồn vốn vay lãi suất thấp dài hạn, bảo lãnh cho công nhân vay giá rẻ dài hạn hoặc bảo lãnh cho công nhân vay thông qua ngân hàng. Tất cả những điều ấy sẽ biến ước mơ nhà 150 triệu đồng thành hiện thực.