Trong phiên chất vấn được Thường vụ Quốc hội tổ chức chiều 20-3, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí dành thời gian nói về quan điểm của ông cũng như giải pháp chống oan sai, chống lọt tội phạm.
Hai yêu cầu chống oan sai, chống lọt tội phạm có mâu thuẫn trong thực tế
Ông Lê Minh Trí cho hay ngành kiểm sát trong nhiều nhiệm kỳ qua đã xác định là chống oan sai, chống lọt là một chủ trương xuyên suốt của ngành. “Hai nhiệm kỳ gần đây, Viện trưởng đã chỉ đạo toàn ngành xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong công tác nghiệp vụ trong lĩnh vực hình sự”- Viện trưởng VKSND Tối cao nói.
Tuy nhiên, theo ông, hai yêu cầu này có mâu thuẫn với nhau trong thực tế.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn chiều 20-3. Ảnh: PHẠM THẮNG |
“Chúng ta tiến lên thì chúng ta sẽ đấu tranh mạnh mẽ với tội phạm và không để lọt tội phạm, nhưng cũng dễ dẫn tới oan sai. Nên “ly lai” giữa chống oan sai với chống lọt là một khó khăn, thách thức rất lớn cho các cơ quan tố tụng”- ông Lê Minh Trí cho rằng đây là yêu cầu rất cao, rất ngặt nghèo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tố tụng.
Theo ông Lê Minh Trí, Ban Cán sự đảng và Viện trưởng VKSND Tối cao yêu cầu toàn ngành quán triệt nghiêm túc lời dạy của Bác Hồ đối với kiểm sát viên: phải công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn.
“Công minh chính trực chính là phẩm chất nghề nghiệp mà người kiểm sát viên phải có. Thận trọng, khiêm tốn là phương pháp công tác. Phải thận trọng, phải khách quan để đảm bảo không oan, không lọt và khiêm tốn để đảm bảo sức thuyết phục của mình trong thực hiện vụ”- Viện trưởng Tối cao lý giải.
Chứng cứ đến đâu xử lý đến đó
Cũng theo ông Lê Minh Trí, trong công tác chuyên môn, Viện trưởng VKSND Tối cao hàng năm đều có đặt ra yêu cầu về chống oan sai và chống lọt tội phạm. “Tôi đã yêu cầu kiểm sát viên các cấp thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục và biện pháp trong BLTTHS quy định, gắn chặt công tố với điều tra ngay từ đầu, nhất là trong thực hiện bảy biện pháp điều tra cơ bản như bắt, khám xét, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, hỏi cung, đối chất và nhận dạng”- ông Lê Minh Trí cho biết.
Ngoài ra, Viện trưởng Tối cao cũng chỉ đạo tập trung làm tốt khâu thụ lý tin báo, tố giác tội phạm để hạn chế oan sai, lọt tội phạm ngay từ đầu. Kiểm sát viên yêu cầu xác minh, điều tra và thu thập chứng cứ theo hai hướng buộc tội và gỡ tội; yêu cầu nắm chắc và áp dụng những nội dung nguyên tắc suy đoán vô tội; đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội; trọng chứng hơn trọng cung, án tại hồ sơ và không được suy diễn…
“Chứng cứ đến đâu xử lý đến đó”- ông Lê Minh Trí nói và cho rằng đi đôi với yêu cầu tiến công tội phạm trong thực hiện nhiệm vụ phải đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội, chú ý không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế và đảm bảo đúng pháp luật.
Ông Lê Minh Trí cho hay ông yêu cầu các kiểm sát viên phải xem xét, đánh giá cả chứng cứ buộc tội và gỡ tội, phải phúc cung trước khi quyết định truy tố |
“Những vấn đề mới và phức tạp, tôi yêu cầu phải tìm hiểu sâu trong lĩnh vực chuyên môn, lắng nghe giải trình và yêu cầu kiểm sát viên phải đảm bảo khách quan, toàn diện trong xem xét, đánh giá chứng cứ”- Viện trưởng VKSND Tối cao nói thêm.
Trong xác định tội danh và khung hình phạt, Viện trưởng Lê Minh Trí cho hay ông yêu cầu phải đảm bảo vừa xử lý nghiêm, vừa khoan hồng, nhân văn, thuyết phục, như Tổng Bí thư đã chỉ đạo.
“Quá trình điều tra, truy tố, xét xử mà bản án chưa có hiệu lực thi hành, chúng tôi đều phải yêu cầu xem xét trong xác minh, điều tra, thu thập và đánh giá chứng cứ cả hai yêu cầu buộc tội và gỡ tội và phải phúc cung trước khi quyết định truy tố”- ông Trí nhấn mạnh đây là những biện pháp nghiệp vụ lãnh đạo ngành yêu cầu kiểm sát viên làm để hạn chế oan sai và lọt tội phạm.
“Chúng tôi vẫn băn khoăn, trăn trở”
Viện trưởng Lê Minh Trí cũng khẳng định “công tác cán bộ” là một giải pháp rất quan trọng để chống oan sai, chống lọt tội phạm. “Chúng tôi yêu cầu Viện trưởng VKS các cấp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra trường hợp tòa án tuyên bị cáo không phạm tội hoặc hủy án để điều tra lại. Sau đó phải đình chỉ bị can do không phạm tội thì kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể, lãnh đạo đơn vị và xem xét cả trách nhiệm của VKS cấp trên nếu có hướng dẫn, chỉ đạo vụ việc, vụ án đó”- lãnh đạo ngành kiểm sát cho hay.
“Trường hợp để oan sai, chúng tôi đã có quy định trong ngành, hình thức từ khiển trách cho tới buộc thôi việc tùy theo mức độ dẫn đến oan sai, bỏ lọt. Trường hợp nghiêm trọng thì xử lý theo quy định của pháp luật và thực hiện trách nhiệm bồi thường nhà nước”- ông Lê Minh Trí nói thêm.
Sau cùng, Viện trưởng VKSND Tối cao đề cập tới giải pháp tăng cường thanh tra nghiệp vụ để phát hiện oan sai và bỏ lọt tội phạm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với công tác xây dựng ngành, đơn vị các cấp kiểm sát và xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp kiểm sát trong công tác Đảng cũng như trong chuyên môn nghiệp vụ…
Về kết quả chống oan sai, chống lọt tội phạm, ông Lê Minh Trí cho hay những năm qua ngành đã kéo giảm, chỉ còn tỷ lệ rất nhỏ với rất nhiều nguyên nhân khác nhau. “Về trách nhiệm, chúng tôi vẫn băn khoăn, trăn trở, thực tế một năm trên 100.000 vụ án hình sự, anh em cố gắng rất nhiều nhưng tới giờ này vẫn xuất hiện một tỷ lệ, một năm vài trường hợp xảy ra (oan sai) như báo cáo Quốc hội định kỳ”- Viện trưởng VKSND Tối cao nói.