Ngày 24-10, Quốc hội (QH) thảo luận trực tuyến về công tác phòng chống tham nhũng năm 2021. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp có mặt tại Hội trường Diên Hồng để nghe các đại biểu (ĐB) thảo luận, cũng như ý kiến giải trình từ đại diện các cơ quan liên quan.
Cùng với việc chỉ ra nguyên nhân, các ĐB cũng kiến nghị xây dựng luật, kiểm soát tài sản xã hội... để công tác thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả hơn.
Những cơ quan phải liêm khiết, trong sạch lại xảy ra tham nhũng
Tham gia thảo luận, ĐB Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) cho rằng có sự bất hợp lý khi các cuộc thanh tra, kiểm tra rất nhiều nhưng số vụ chuyển hồ sơ để xử lý hình sự lại rất ít. Cụ thể, năm 2021, toàn ngành thanh tra đã thực hiện 6.712 cuộc thanh tra hành chính và 188.047 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành nhưng mới chuyển cơ quan điều tra được 245 vụ, 182 đối tượng và chỉ khởi tố 14 vụ và 16 đối tượng.
Trong đó, nhiều vụ việc lập khống hồ sơ thanh quyết toán so với khối lượng thi công lẽ ra phải chuyển hồ sơ để điều tra, xử lý hình sự nhưng lại chỉ cho khắc phục để xử lý hành chính. ĐB nêu và đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá để có quy định cụ thể về các trường hợp phải chuyển cơ quan điều tra làm rõ khi thanh tra, kiểm tra phát hiện dấu hiệu vi phạm.
Đại biểu Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao và đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) bàn và kiến nghị các giải pháp phòng chống,
thu hồi tài sản tham nhũng. Ảnh: Đ.MINH
ĐB Khánh cũng cho hay dư luận rất băn khoăn trên thực tế trong thời gian qua có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có biểu hiện nhũng nhiễu, rung dọa để chung chi tiền sai phạm, việc này rất khó phát hiện. Các đối tượng được thanh tra, kiểm tra không dám tố cáo vì sợ ảnh hưởng đến địa phương, đơn vị và sợ bị trù dập. Hơn nữa, nhiều cơ quan thực hiện các biện pháp nghiệp vụ điều tra cơ bản, kiểm tra sai phạm kinh tế nhưng việc công khai, minh bạch thông tin còn rất hạn chế.
“Tôi ví dụ như việc thực hiện nghiệp vụ điều tra cơ bản của lực lượng công an, hằng năm thực hiện rất nhiều cuộc, nhiều đơn vị xử lý kinh tế rất lớn nhưng việc công khai kết quả xử lý còn rất hạn chế, vì theo quy định các chương trình kế hoạch đều là tài liệu mật, nhân dân không giám sát được” - ĐB Khánh nói.
Ông đề nghị báo cáo của Chính phủ cần bổ sung, đánh giá kỹ hơn về nội dung này để có giải pháp phòng chống tham nhũng ngay trong chính các cơ quan trực tiếp thực thi nhiệm vụ này. Đồng thời, QH xem xét, cần có quy định về giám sát của các cơ quan dân cử giữa QH và HĐND đối với công tác phòng chống tham nhũng của các cơ quan nêu trên.
Cùng ý kiến này, ĐB Phan Văn Hòa (Đồng Tháp) nhận định tình trạng tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, cho doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công, những nơi nhạy cảm trên các lĩnh vực dễ tiếp cận tham nhũng chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Lợi ích nhóm, sân sau vẫn còn tồn tại trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, mua tài sản công…
“Đặc biệt là trong lực lượng vũ trang, ngành y, các cơ quan bảo vệ pháp luật mà người dân nghĩ rằng nơi đây là an toàn, liêm khiết, trong sạch nhất nhưng lại có một bộ phận không nhỏ tham nhũng rất nghiêm trọng đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, gây bức xúc, giảm lòng tin trong nhân dân” - ĐB Hòa nói.
Vì sao thu hồi tài sản tham nhũng thấp?
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về công tác phòng chống tham nhũng chỉ rõ phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn có những hạn chế nhất định và một trong số đó là “kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn thấp”.
Cụ thể, theo báo cảo của Chính phủ về kết quả công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế đến nay là số việc phải thi hành 4.799 việc; số việc có điều kiện đang được tổ chức thi hành là 3.691 việc; đã thi hành xong 2.697 việc. Tổng số tiền phải thi hành trên 72.000 tỉ đồng; đang tổ chức thi hành trên 34.000 tỉ đồng; đã thu được trên 4.000 tỉ đồng.
ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) chỉ rõ nguyên nhân thu hồi tài sản tham nhũng thấp là do có sự bất cập trong pháp luật về kê biên tài sản, bảo đảm thi hành án.
Cụ thể, Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về đối tượng kê biên và phạm vi áp dụng kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội luật quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để đảm bảo bồi thường thiệt hại. Quy định trên của pháp luật cũng có nghĩa việc kê biên tài sản chỉ được áp dụng khi nào đối tượng bị khởi tố bị can hoặc bị đưa đi xét xử...
“Hay nói cách khác, người phạm tội được hưởng quyền bất khả xâm phạm về tài sản sở hữu, đây chính là kẽ hở của pháp luật, vô hình trung biến thành quãng thời gian vàng giúp cho tội phạm có điều kiện tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản phạm tội mà có” - ĐB Bình nói. Ông cho hay rất nhiều vụ án tham nhũng, đại án kinh tế hàng ngàn tỉ đồng bị thất thoát, chiếm dụng nhưng không được thu hồi bởi tài sản này đã bị sang tên cho người khác trong gia đình, bị tẩu tán trong giai đoạn điều tra, khởi tố vì chậm bị kê biên, phong tỏa.
ĐB Bình đề nghị cần phải xem xét, hoàn thiện các quy định pháp luật để có thể thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt ở bất cứ giai đoạn nào của vụ án mà không phải chờ bản án. Đồng thời, mở rộng phạm vi thẩm quyền áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản đến các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán khi phát hiện có dấu hiệu phạm tội tham nhũng kinh tế.
Tài sản không rõ nguồn gốc cũng không thu hồi được
Về việc này, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho hay việc thu hồi tài sản tham nhũng dù “có chuyển biến tích cực hơn” nhưng vẫn chưa như mong muốn vì “rõ ràng số mất với số lấy lại vẫn chưa tương xứng”.
“Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là kể cả chúng ta có quyết tâm kê biên, rồi thu hồi thì cũng phải theo luật hiện hành. Không phải lúc nào chúng ta cũng niêm phong, kê biên được hết, khi mà chúng ta còn phải chịu trách nhiệm bồi thường nhà nước nếu chúng ta kê biên, niêm phong không đúng thì người ta có quyền khởi kiện” - ông nói và nhấn mạnh chỉ có tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật thì công tác thu hồi tài sản mới chặt chẽ và chính xác được.
Để làm tốt công tác thu hồi tài sản tham nhũng, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đề nghị QH nghiên cứu, xem xét xây dựng Luật Đăng ký tài sản. Hiện Việt Nam chỉ mới kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, kiểm soát tài sản xã hội vẫn còn là khoảng trống. “Nếu chưa có Luật Đăng ký tài sản thì tài sản tham nhũng mà các đối tượng có thủ đoạn che giấu, ẩn nấp ở ngoài xã hội, nhờ người khác đứng tên ô tô, nhà, đất… thì chúng ta không đụng vào được. Mặc dù biết khi không giải trình được nguồn gốc thì tài sản bất minh nhưng chúng ta cũng không thu hồi được” - ông nói.
Cùng với đó, Viện trưởng VKSND Tối cao cũng đề nghị Chính phủ đẩy nhanh lộ trình hạn chế sử dụng tiền mặt, áp dụng thanh toán trực tuyến. Thực hiện điều này sẽ góp phần cho chuyện thu hồi tài sản và minh bạch. Theo ông, chỉ khi các hoạt động kinh tế minh bạch thì công tác chống tham nhũng, thu hồi tài sản mới tốt được. “Còn nếu chúng ta hiện nay quyết tâm chính trị nhưng vừa làm vừa lo, không thu thì không được nhưng thu không đúng luật người ta kiện. Ngay thụ lý tin báo, tố giác tội phạm, xin thưa các đồng chí, muốn đụng vào là khó chứ không phải đơn giản” - ông nói.•
Chuyển bảy vụ sang công an khi chưa có dự thảo kết luận thanh tra Giải trình trước QH về kết quả thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phát hiện, xử lý tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết năm 2021, số cuộc thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo giảm so với năm 2020. Tuy nhiên, việc phát hiện, chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra tăng. Lý do số cuộc thanh tra, kiểm tra giảm so với năm 2020 là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra phải dừng, hoãn. Việc chuyển các vụ việc sang cơ quan điều tra tăng so với năm 2020, điển hình về cuộc thanh tra việc quản lý Quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh. Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chuyển bảy vụ việc ngay trong sáu tháng đầu năm 2021 sang cơ quan điều tra, ngay trong quá trình thanh tra khi chưa dự thảo kết luận thanh tra. Thanh tra Chính phủ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng chương trình thanh tra năm 2022, trong đó có nội dung phòng ngừa, phòng chống tiêu cực, tham nhũng liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19. |
--------
Góc nhìn:
Phòng chống tham nhũng: Quyết liệt nhưng vẫn là quá trình tiệm tiến
Phòng chống tham nhũng (PCTN) thường là chủ đề nóng trên diễn đàn Quốc hội (QH) nhưng ở kỳ họp thứ hai, QH khóa XV này, không nhiều đại biểu QH đăng đàn. Và phần thảo luận về chủ đề này, cùng các vấn đề khác thuộc báo cáo lĩnh vực tư pháp, thi hành án, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2021 tại phiên họp toàn thể của QH kết thúc gọn trong một buổi sáng, thay vì cả ngày Chủ nhật (24-10) như chương trình làm việc.
Nhưng điều ấy không có nghĩa là cuộc chiến với “giặc nội xâm” đang hạ nhiệt.
Theo con số trong báo cáo của Chính phủ, đã được Ủy ban Tư pháp của QH thẩm tra, trong năm đầu tiên chuyển tiếp của nhiệm kỳ bộ máy nhà nước, cơ quan điều tra hình sự công an các cấp - lực lượng chính xử lý theo tố tụng tội phạm tham nhũng đã khởi tố mới 310 vụ, 665 bị can, tăng 20 vụ, 49 bị can so với kỳ báo cáo năm trước.
Kỳ báo cáo năm trước thuộc về năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Con số ở kỳ báo cáo ấy cho thấy dù tập trung vào công tác chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc, công tác PCTN vẫn được đẩy mạnh, với số vụ tham nhũng được phát hiện tăng so với năm trước nữa, cả về vụ và bị can.
Các con số trong sự so sánh ấy cho thấy đặt cùng với kết quả bảy kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các quyết định của Ban bí thư, Ban chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật nghiêm khắc với hàng loạt quan chức, tướng lĩnh thì có thể khẳng định: Ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ Đại hội XIII, công tác PCTN đã được Đảng, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ.
Công tác ấy gắn liền với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà Hội nghị Trung ương 4 của ba nhiệm kỳ đại hội liên tiếp bàn tới, đúng như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: Không dừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Công tác ấy dưới sự dẫn dắt của người đứng đầu - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, sự ủng hộ, thống nhất cao của Ban chấp hành Trung ương, ngay từ năm đầu nhiệm kỳ này đi vào chiều sâu hơn. Không chỉ PCTN theo pháp luật mà còn cả phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Công cuộc ấy nhấn mạnh yêu cầu nêu gương của đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, mà cao nhất là các ủy viên trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban bí thư. Đặt yêu cầu ấy bên cạnh quy định những điều đảng viên không được làm vừa được Hội nghị Trung ương 4 sửa đổi, bổ sung thì càng thấy rõ nguyên tắc: Đối với đảng viên, quy định của Đảng cao hơn pháp luật của Nhà nước. Đã vào Đảng là phải chấp hành, phục tùng tổ chức.
Quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước là căn cứ, là khuôn khổ vận hành của công tác PCTN, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhìn vào các đầu mục công tác hoàn thiện thể chế thì thấy trong thời gian tới chưa có nhiều thay đổi.
Đợi chờ nhất và có thể được ban hành sớm, có thể là quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực PCTN, do Bộ Chính trị ban hành, tương tự như quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, đã ban hành năm 2019.
Ngoài ra, để triển khai một cách đầy đủ Luật PCTN năm 2018, Bộ Chính trị có thể phải ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong kiểm soát tài sản, thu nhập. Có như vậy kiểm soát tài sản thu nhập - phần mới nhất của Luật PCTN năm 2018 so với Luật PCTN trước đó, mới có thể vận hành.
PCTN những năm tới, dù quan điểm là không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ thì sẽ tiếp tục là một quá trình tiệm tiến. Bởi những cơ chế, những vấn đề lớn được kỳ vọng tạo đột phá thì vẫn cần phải có quá trình nghiên cứu, chuẩn bị thận trọng.
Đó là việc nghiên cứu mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách PCTN mà Ban Nội chính Trung ương đang chủ trì. Là ba đề án nghiên cứu vấn đề như xử lý hình sự về hành vi làm giàu bất hợp pháp; đánh giá chuyên sâu về cơ chế thực thi, điều kiện đảm bảo thi hành, tính khả thi và hiệu quả thực hiện của cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội, đảm bảo phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; khả năng quy định trách nhiệm chứng minh của đối tượng nghi vấn phạm tội trong việc chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản - cả ba do Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu.
Tất cả đề án nghiên cứu ấy dù phức tạp, mới mẻ thì cũng còn rất nhỏ nếu đặt cạnh đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 mà Chủ tịch nước được Bộ Chính trị giao làm trưởng ban chỉ đạo, mà nếu suôn sẻ, phải tới Hội nghị Trung ương 6, tháng 10-2022 mới xem xét, thông qua.
NGHĨA NHÂN