“Thật ra cháu tôi không bị bệnh hiểm nghèo hay nan y gì nặng cả, mà là một trận sốt nặng, cháu lên cơn ho liên hồi. Nhưng không có các bác sĩ cấp cứu kịp thời chắc cháu nó đã không qua khỏi” - ông TTĐ, Việt kiều Pháp, bắt đầu câu chuyện.
Ông Đ. kể: Trước đó, ngày 22-5-2017, cháu nội ông chỉ mới 22 tháng tuổi bị sốt và được đưa vào một bệnh viện tại TP.HCM điều trị. Sau khi khám, bác sĩ kê đơn thuốc và cho cháu về nhà.
Chung cư Lexington, quận 2, TP.HCM là khu chung cư đầu tiên trên cả nước có phòng khám bác sĩ gia đình.
“Chiều đó hai ông cháu đang chơi với nhau thì cháu lại sốt cao, có biểu hiện ngất đi rồi co giật rất mạnh vài phút. Mặt cháu tím bầm, mắt đã trợn tròng. Ban đầu tôi có phần hoảng hốt nhưng nhớ ra dưới nhà có phòng khám bác sĩ gia đình nên bế cháu chạy xuống gặp bác sĩ. Tại đây cháu được sơ cứu và chuyển đến bệnh viện tuyến trên điều trị. Lúc đó mà đợi xe đến đưa cháu đi bệnh viện, mất thêm vài ba phút nữa thì có khi bây giờ làm gì có cảnh ông cháu vui vẻ như thế này” - ông Đ. kể.
Sau khi cháu trai được cấp cứu khỏe mạnh, ông Đ. đã gọi điện thoại cảm ơn các bác sĩ phòng khám. Đồng thời viết thư gửi đến ban quản lý chung cư, đến các bác sĩ. Trong thư, gia đình ông bộc bạch: “Sau khi cháu qua cơn co giật, gia đình chúng tôi nghiệm lại là nếu không có sự tiện ích và sự nhiệt tình của bác sĩ và y tá hôm đó thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho gia đình chúng tôi. Một lần nữa tôi thay mặt gia đình chân thành tri ân ban quản lý tòa nhà Lexington cũng như phòng khám bác sĩ gia đình Hoàn Mỹ đã cứu sống cháu nội của gia đình tôi”.
Chia sẻ thêm về lá thư cảm ơn, BS Nguyễn Văn Hà - Trưởng phòng khám bác sĩ gia đình Hoàn Mỹ Lexington, cho biết để nhận được lời cảm ơn từ bệnh nhân đến bác sĩ khi ở bệnh viện rất khó vì lượng bệnh nhân ở bệnh viện rất đông, thời gian bác sĩ chăm sóc lại khá ít. Nhưng đối với những phòng khám ở trong khu chung cư như thế này thì thư cảm ơn, điện thoại cảm ơn bác sĩ tại đây nhận khá thường xuyên.
“Tuần trước cũng có một trường hợp bệnh nhân 45 tuổi ở tầng chín chung cư lên cơn hen suyễn nặng. Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ có thuốc xịt phòng chứ không có thuốc cắt cơn. Lúc đó là 8 giờ tối, bác sĩ tại đây kịp thời chạy lên hỗ trợ bệnh nhân, đến 9 giờ thì anh này khỏe hẳn. Sáng đi làm anh này vẫn hay ghé phòng khám kiểm tra, rồi còn thường xuyên gọi điện thoại cảm ơn bác sĩ nữa” - BS Hà kể.
Theo các bác sĩ tại đây, khi thành lập một phòng khám bác sĩ gia đình ở chung cư, mọi người luôn hướng tới việc có thể có mặt và xử lý kịp thời những ca cấp cứu khó trong quỹ thời gian vàng của nó. Bên cạnh đó, bác sĩ dễ dàng theo dõi được lịch sử bệnh án của cư dân theo dòng đời của họ.