Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định như trên khi nói về mô hình trạm y tế xã hội hóa trong buổi làm việc cùng lãnh đạo và Sở Y tế TP.HCM chiều 1-6.
Phó Thủ tướng đánh giá việc chủ động đưa trạm y tế xã hội hóa công tư, phát triển thành nơi khám chữa bệnh giống một bệnh viện với đầy đủ tiện nghi là điều rất tốt, tuy nhiên lãnh đạo Sở cùng các nhà đầu tư cũng cần chú ý nhiều vấn đề.
Theo đó, một trong những điều thế giới lo nhất và khuyến nghị Việt Nam là không tư nhân hóa các cơ sở y tế công. Bởi khi đã tư nhân hóa, cổ phần hóa thì ắt chạy theo lợi nhuận.
Mục đích ban đầu là giúp xã hội nhưng vì lợi nhuận, sau một thời gian cơ sở sẽ lái theo xu hướng này. Như vậy những đối tượng xã hội cần quan tâm sẽ không còn được nữa.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đang thị sát một trạm y tế ở TP.HCM. Ảnh: HP
Vì lẽ đó người ta khuyến nghị đổi mới mô hình tại Việt Nam nên tránh chạy theo lợi nhuận. Hợp tác công tư thì phải đảm bảo cả hệ thống không vì lợi nhuận, nếu cùng nhau làm mà vì lợi nhuận thì sẽ ảnh hưởng đến rủi ro.
TP phải thí điểm để đánh giá một cách khách quan, nếu không lường hết hệ quả thì không được.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết quan điểm chung là làm sao y tế cơ sở phải tiếp cận với dịch vụ có chất lượng.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là đầu tư. Vì bấy lâu nay chưa có bất kỳ đầu tư nào, đầu tư nhà nước trong thời gian tới sẽ lại khó khăn. Toàn quốc hiện có khoảng 10.000 trạm y tế xã, trong đó 50% trạm cần phải nâng cấp, xây mới.
Thứ hai là về y tế cơ sở, người dân gần như không có niềm tin nên thường bỏ qua y tế cơ sở mà lên thẳng tuyến trên, dẫn đến quá tải.
Từ trước đến nay, không có nhà đầu tư nào mặn mà với y tế cơ sở cả, chủ yếu là bệnh viện, phòng khám. Đối với trạm y tế thì rất ít, mà chủ yếu là cho khoản tiền xây cái nhà là xong.
“Người ta nhìn thấy nó không có lợi nhuận. Các chương trình tiêm chủng hay mục tiêu quốc gia đều là miễn phí, ai mà đầu tư vào chỗ miễn phí” - ông Long nói.
Chốt lại vấn đề, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói bây giờ không bàn nữa mà phải làm quyết liệt, nghiêm túc. Bộ và các nơi nhất định phải củng cố hệ thống y tế cơ sở đúng nghĩa, làm hết công tác từ dự phòng đến xã hội, khám chữa bệnh.
Tại Trạm Y tế phường 11, quận 3 (TP.HCM), một trong những trạm y tế xã hội hóa đầu tiên tại TP, ông Phan Quốc Việt, đại diện nhà đầu tư Công ty Cổ phần Y tế Việt Anh, cho rằng mô hình mẫu kết hợp của trạm và phòng khám đa khoa tại trạm y tế, hướng tới mục đích về lâu dài, đáp ứng sự phục vụ, thay đổi nhận thức người dân. Đồng thời, nó sẽ giúp người dân về đây tham gia bác sĩ gia đình, chăm sóc sức khỏe ban đầu để có nguồn thu của trạm. |