Việt Nam chưa đến mức phải hạn chế xuất khẩu cám gạo, sắn

(PLO)- Ý kiến đại diện doanh nghiệp cho hay trong bối cảnh hiện nay chúng ta chưa đến mức phải hạn chế xuất khẩu cám gạo, hay sắn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 28-7, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ thông báo về quyết định cấm xuất khẩu cám gạo trích ly (Deoiled Rice Bran Extraction- DORB). Lệnh cấm xuất khẩu cám gạo này của Ấn Độ kéo dài bốn tháng, đến ngày 30-11.

Nguyên nhân của việc cấm xuất khẩu cám gạo là do giá sữa và các sản phẩm sữa ở Ấn Độ tăng mạnh. Mà giá sữa tăng lại do giá thức ăn gia súc tăng vọt, trong đó thành phần chính là cám gạo trích ly hoặc chiết xuất cám gạo.

Trao đổi với PLO, nhiều ý kiến nhận định lệnh cấm xuất khẩu cám gạo trích ly của Ấn Độ sẽ làm tăng giá mặt hàng này nói riêng và giá thức ăn chăn nuôi trên toàn cầu, tuy nhiên chỉ ở mức độ nhẹ.

Ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam, nói: “Lệnh cấm này của Ấn Độ chắc chắn sẽ tác động tới giá cám gạo, giá thức ăn chăn nuôi toàn cầu. Tuy nhiên mức tác động nhưng không nhiều vì tỷ lệ dùng cám gạo trong sản xuất thức ăn chăn nuôi rất ít. Và Ấn Độ chỉ là một trong số các nước cung ứng cám gạo ra thế giới”.

Về tác động với Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng nhận định mức ảnh hưởng không nhiều.

Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Tập đoàn Tân Long, cho biết, trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, cám gạo chiếm tỷ trọng không nhiều, khoảng 2-3%. Điều quan trọng, trong công thức vẫn có thể thay thế cám gạo bằng các nguyên liệu khác như ngô, sắn.

“Mỗi năm Việt Nam phải nhập khoảng 20 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, nhưng chủ yếu là ngô, lúa mì, lúa mạch, khô đậu tương… Đây là những nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi, chiếm đến 80% công thức. Còn cám gạo chỉ nhập khoảng vài trăm ngàn tấn, lượng rất nhỏ không đáng kể. Do vậy tôi cho rằng lệnh cấm này của Ấn Độ không ảnh hưởng nhiều, có tác động làm giá tăng lên nhưng không đáng bao nhiêu” - ông Bá cho hay.

Chủ tịch Tập đoàn Tân Long cũng nhận định bối cảnh hiện nay chúng ta không cần thiết phải hạn chế xuất khẩu cám gạo, hay sắn. Vì những lý do như phân tích ở trên, và chính trong những lúc như thế này, người nông dân mới có lãi.

Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, 5 tháng đầu năm, Ấn Độ xuất khẩu 288.000 tấn cám gạo trích ly. Trong đó, xuất khẩu sang Việt Nam chiếm 54% với gần 156.000 tấn.

Thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng cho thấy, trong 20 triệu tấn nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hàng năm thì cám các loại chỉ có khoảng 550.000 tấn. Còn lại, ngô nhập hơn 7 triệu tấn, lúa mì và lúa mạch 1,5 triệu tấn, khô dầu các loại 4,7 triệu tấn, nguyên liệu nguồn gốc động vật 1,8 triệu tấn…

6 tháng đầu năm nay, giá hầu hết các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm so với mặt bằng chung năm 2022. Tuy nhiên, so với giai đoạn trước dịch Covid-19 thì vẫn cao hơn từ 41-55%.

Giá cám gạo trích ly cũng trong xu hướng như vậy. 6 tháng đầu năm, giá cám gạo trích ly ở khoảng 6.265 đồng/kg, giảm 0,5% so với năm 2022, nhưng vẫn cao hơn 41% so với giai đoạn trước dịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm