“Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ và đạt được nhiều kết quả, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao” - đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”.
Phát triển bền vững vừa là nhu cầu cấp bách
Tại đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh không thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững nếu không hành động đúng đắn, quyết liệt, đồng bộ từ tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, mọi người dân với sự hợp tác của cộng đồng quốc tế.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định phát triển bền vững vừa là nhu cầu cấp bách, vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển xã hội. Chủ trương phát triển bền vững được thể hiện nhất quán trong các văn kiện, chương trình, kế hoạch phát triển đất nước trong từng thời kỳ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao sáng kiến lập Liên minh tái chế bao bì Việt Nam.
Ông Matt Wilson - Giám đốc ngoại vụ cấp cao HEINEKEN Việt Nam giới thiệu sáng kiến tái chế nắp chai bia để xây cầu của hãng Tiger.
Hội nghị cũng đưa đến những thông tin và kiến nghị hữu ích từ các tham luận của đại diện cộng đồng doanh nghiệp, như ứng dụng tư duy kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong sản xuất, kinh doanh; kết hợp các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị công ty (ESG) vào chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư có trách nhiệm; tối đa hóa lợi ích kinh tế-xã hội thông qua thực hiện phát triển bền vững, kinh nghiệm tốt từ doanh nghiệp…
Mô hình KTTH của HEINEKEN Việt Nam
Cũng tại sự kiện này, HEINEKEN Việt Nam (HEINEKEN) đã chia sẻ câu chuyện thành công của mình trong việc áp dụng mô hình kinh tế KTTH nhằm kiến tạo những giá trị bền vững cho con người, hành tinh và sự thịnh vượng.
HEINEKEN cho rằng trong nền KTTH, các nhà sản xuất chú trọng giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách sử dụng các phương thức sáng tạo nhằm tối đa hóa vòng đời của tất cả tài nguyên đã sử dụng. Thực tiễn áp dụng tại HEINEKEN cho thấy mô hình KTTH không chỉ giúp giảm phát thải mà còn kiến tạo ra giá trị từ rác thải.
Những sáng kiến đem lại hiệu quả được đơn vị này chỉ ra như: Tiến tới không rác thải cần chôn lấp, gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế; gần 100% chai bia thủy tinh của HEINEKEN được thu hồi để tái sử dụng trước khi được tái chế tại nhà máy thủy tinh vào cuối vòng đời sản phẩm. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng xử lý 100% nước thải đạt tiêu chuẩn an toàn loại A trước khi trả về môi trường.
Hiện có 4/6 nhà máy bia của HEINEKEN sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải carbon; giảm 2.500 tấn phát thải CO2 chỉ riêng trong khâu kho vận trong năm 2018.
Sáng kiến tái chế nắp chai
Một trong những ứng dụng được HEINEKEN đưa ra tại hội nghị đó là sáng kiến tái chế nắp chai bia Tiger. Theo HEINEKEN, đây là điển hình cho thấy mô hình KTTH có thể giúp kiến tạo giá trị tích cực cho xã hội, bảo vệ môi trường, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh.
Thông qua việc thu gom nắp chai bia và tái chế thành vật liệu sắt để xây cầu hỗ trợ cộng đồng, dự án đã thúc đẩy tái chế và giảm rác thải; cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu cho cộng đồng; nâng cao hình ảnh của nhãn hiệu bia Tiger với tinh thần đánh thức bản lĩnh, hành động sáng tạo để hỗ trợ cộng đồng.
Khởi động từ năm 2018, đến nay dự án đã xây được hai cây cầu làm từ nguyên liệu nắp chai bia tái chế tại Tiền Giang và An Giang. Cây cầu thứ ba tại TP.HCM sẽ được hoàn thành vào đầu năm 2020.
“Chúng tôi rất hoan nghênh đóng góp của các doanh nghiệp FDI, mà tiêu biểu là HEINEKEN Việt Nam, trong việc tiên phong áp dụng các sáng kiến, công nghệ, mô hình phát triển tiên tiến. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp cùng theo đuổi con đường tăng trưởng xanh” - ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), bày tỏ.