Theo Bộ Y tế, Pyriproxyfen là hóa chất vẫn được Tổ chức Y tế Thế giới cho phép sử dụng để diệt ấu trùng muỗi trong nước.
Tuy nhiên, theo ông Long, hiện Việt Nam không sử dụng dụng hóa chất Pyriproxyfen trong nước sinh hoạt, ăn uống. Ngoài ra, chương trình phòng, chống sốt xuất huyết cũng không sử dụng hóa chất này để diệt ấu trùng muỗi.
Theo ông Long, hóa chất Pyriproxyfen mới chỉ được nhập khẩu vào Việt Nam từ năm 2013. Tính tới thời điểm hiện tại mới nhập được tổng số 9.500 kg và tiêu thụ 2.000 kg. Số hóa chất này chỉ được dùng để diệt ấu trùng muỗi trong các loại nước thải.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định Việt Nam không dùng 'hóa chất gây teo não' Pyriprpxyfen trong nước ăn uống. Ảnh: Huy Hà
Trước đó, giới chuyên môn từng có nghi vấn, nguyên nhân gây teo não ở trẻ nhỏ không phải do virus Zika mà là do hóa chất diệt muỗi Pyriproxyfen. Thông tin này gây hoang mang cho người dân, đặc biệt là Việt Nam có sử dụng loại hóa chất này để diệt bọ gậy, lăng quăng trong phòng, chống sốt xuất huyết.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO thì hóa chất này an toàn, khuyến cáo sử dụng được trong nước sinh hoạt. Vì thế đến nay cần phải có nghiên cứu cụ thể. WHO chưa đưa ra khuyến cáo nào về việc hóa chất sử dụng diệt muỗi gây chứng đầu nhỏ mà chỉ khuyến cáo mạnh là virus Zika gây ra bệnh này.
Theo Bộ Y tế, đến thời điểm này virus Zika đã được ghi nhận ở 44 quốc gia vùng lãnh thổ, trong đó có cả ở Trung Quốc, Thái Lan.
Điều lo ngại là vius Zika lan tràn nhanh trên diện rộng và xuất hiện hội chứng đầu nhỏ, viêm đa rễ thần kinh. Tại Việt Nam Bộ Y tế đã họp và nhận định sự lan tràn của virus Zika sẽ diễn biến phức tạp và khả năng lan vào Việt Nam có thể xảy ra. Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ quan ban hành hướng dẫn chẩn đoán điều trị để chống virus Zika.
Điều các chuyên gia quan ngại nhất là 80% bệnh nhân có virus Zika không có triệu chứng, có trường hợp triệu chứng mờ nhạt, sốt 37,5 độ C. Điều này rất khó chẩn đoán lâm sàng nên phải làm xét nghiệm. Việc điều trị hiện chỉ điều trị triệu chứng, không điều trị đặc hiệu được.