Từ ngày 11 đến 12-7, tại TP Đà Nẵng, TAND Tối cao phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Văn phòng Liên Hiệp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) tổ chức hội nghị tập huấn về xét xử các vụ án liên quan đến tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã.
Đây là lần đầu tiên một hội nghị tập huấn về loại tội phạm này được chủ trì bởi chánh án TAND Tối cao, các phó chánh án và đầy đủ thành viên của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Điều này thể hiện cam kết của hệ thống tòa án trong giải quyết các vi phạm trong việc phòng, chống tội phạm liên quan đến động vật hoang dã.
Việt Nam là điểm nóng buôn bán động vật hoang dã
Theo đánh giá của một số chuyên gia quốc tế, Việt Nam đang trở thành điểm nóng về buôn bán và sử dụng sản phẩm từ động, thực vật hoang dã ở Đông Nam Á. Cạnh đó, nước ta cũng được biết đến là địa bàn trung chuyển lớn trong khu vực về buôn bán các sản phẩm từ động vật hoang dã.
Nhiều vụ án buôn bán xuyên quốc gia khối lượng lớn các sản phẩm từ động vật, thực vật hoang dã đã bị phát hiện. Tình trạng sử dụng ngà voi, sừng tê giác và giết hại các loài hoang dã để phục vụ cho các bữa tiệc đã trở thành thói quen xấu trong sinh hoạt tiêu dùng của người dân.
Hậu quả của việc này là nhiều loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đa dạng sinh học. Nhiều loài thú lớn là biểu tượng của nhiều vùng bị tuyệt chủng do áp lực khai thác, sử dụng bất hợp pháp như tê giác một sừng, hổ, bò xám, trâu rừng, hươu vàng, nai cà-tông và nhiều thú lớn khác.
Theo thống kê của TAND Tối cao, từ năm 2015-2017, TAND đã thụ lý 231 vụ/339 bị cáo vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp quý, hiếm. Trong đó, chỉ có tám bị cáo bị phạt tù 3-7 năm, 96 trường hợp tù từ ba năm trở xuống. Các vụ việc còn lại đối tượng phạm tội chỉ bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc tù giam nhưng cho hưởng án treo.
Phát biểu tại hội nghị, PGS-TS Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao, cho biết so với BLHS năm 1999 thì các quy định liên quan đến động vật hoang dã, động vật nguy cấp và quý hiếm trong BLHS 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung để kịp thời đáp ứng yêu cầu đối với công tác phòng chống tội phạm này, đồng thời thực hiện đầy đủ các khuyến nghị của quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã.
"Tuy nhiên, BLHS năm 2015 vẫn còn một số quy định định tính, có thể dẫn đến cách hiểu không thống nhất nên cần có văn bản hướng dẫn để đảm bảo thống nhất trong xét xử” - Chánh án Bình cho hay.
PGS-TS Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao, phát biểu tại hội nghị.
Quy định xử phạt nặng hơn
Tại phần thảo luận, các đại biểu thống nhất cho rằng các điều khoản mới cùng khung hình phạt nặng hơn của BLHS năm 2015, sửa đổi năm 2017 là một điểm nhấn cho thấy Việt Nam đang quyết tâm phòng, chống tội phạm liên quan đến động vật hoang dã mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Sự quyết tâm này nhấn mạnh cam kết của Việt Nam đối với việc thực hiện Công ước về buôn bán quốc tế trong các loài động vật và thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Góp ý về một số nội dung cần quy định trong dự thảo nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, TS Phạm Quý Tỵ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp) cho biết ông vẫn còn băn khoăn về quy định về hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm động vật.
Theo ông Tỵ, tại điểm b khoản 1 Điều 244 BLHS quy định hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, các khoản khác không quy định về hành vi này. Mức hình phạt cao nhất của khoản 1 Điều 244 là năm năm. Như vậy có nghĩa là tất cả hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm động vật chỉ xét xử ở khoản 1 Điều 244.
“Có nhiều người đang băn khoăn về quy định này vì thực tiễn thi hành Điều 190 BLHS năm 1999 cũng có một bất cập tương tự” - ông nói.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội nghị.
Ông Tỵ dẫn chứng: Năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định 160/NĐ-CP quy định về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ để làm căn cứ xét xử Điều 190 BLHS năm 1999. Trong đó có một số loài được bổ sung vào nhóm IB loài tê tê. Tuy nhiên, Thông tư số 19/TTLT lại không được sửa đổi, bổ sung kịp thời khiến các cơ quan thi hành pháp luật gặp khó khăn.
Do không có cơ sở để xử theo khoản 2 Điều 190 về hành vi “gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” nên các địa phương đều áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, tức là tất cả vụ vận chuyển, buôn bán trái phép tê tê dù nhiều hay ít đều xử theo khoản 1 Điều 190.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng việc Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần hướng dẫn cụ thể hướng giải quyết vấn đề này là rất cần thiết.
Theo ông Tỵ, thông thường trong một điều luật, tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội sẽ tương ứng với mức hình phạt được quy định theo hướng từ thấp đến cao. Như vậy, hành vi tàng trữ, buôn bán, vận chuyển trái phép sản phẩm thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ chỉ được quy định xử lý theo điểm b khoản 1 Điều 244 sẽ dẫn đến bất cập trong thực tiễn áp dụng.
“Vừa qua, TAND huyện Móng Cái (Quảng Ninh) đã căn cứ vào quy định này để xử vụ buôn bán trên 200 vẩy tê tê với mức án 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Tại Lạng Sơn, các cơ quan tố tụng cũng đang hoàn thiện hồ sơ vụ án buôn bán 100 kg vẩy tê tê để đưa ra xét xử. Do đó cần sớm có nghị quyết hướng dẫn để thống nhất áp dụng” - ông Tỵ nói thêm.