Ngày 27-4, Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững bước vào phiên bế mạc sau 3,5 ngày làm việc tích cực với các phiên họp dày đặc.
Thông tin tại buổi họp báo sau đó, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho biết hội nghị đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ các mục tiêu đề ra.
Hội nghị đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Đó là tạo cảm hứng và khát vọng cho tất cả các quốc gia và các bên liên quan để cùng nhau chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) theo hướng bền vững trong bối cảnh mới. Các cơ quan quốc tế gọi là bối cảnh khủng hoảng lương thực mới toàn cầu.
“Trong các phiên họp, các đại biểu đều chung cảm xúc là chúng ta phải thay đổi tư duy, cùng nhau phối hợp hành động, có những giải pháp cấp bách cả trong ngắn hạn và dài hạn về chuyển đổi hệ thống LTTP bền vững” - ông Tuấn nói.
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: TÙNG ĐINH |
Hội nghị cũng thống nhất rằng chuyển đổi hệ thống LTTP cần được tiếp cận từ toàn cầu. Tuy nhiên, việc lựa chọn con đường, cách thức chuyển đổi hệ thống LTTP cần tính đến bối cảnh cụ thể của từng quốc gia và địa phương trong quốc gia đó.
Tại các phiên họp, các nước và tổ chức quốc tế tham gia hội nghị đều ghi nhận Việt Nam là quốc gia tiên phong trong chuyển đổi hệ thống LTTP bền vững.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Thuỵ Sỹ Christian Hoffer đánh giá Việt Nam có nhiều kinh nghiệm, mô hình tốt trong chuyển đổi hệ thống LTTP minh bạch, trách nhiệm, bền vững.
Việc chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam cho các đại biểu tham gia Hội nghị lần thứ 4 bao gồm cả trực tiếp và trực tuyến, thông qua các phương tiện truyền thông góp phần quan trọng vào chuyển đổi hệ thống LTTP toàn cầu theo định hướng trên.
Ông Joao Campari, lãnh đạo Chương trình thực phẩm toàn cầu WWF cũng cho hay, với tư cách đồng tổ chức hội nghị năm nay, Việt Nam đã thể hiện được vai trò dẫn dắt, nhằm đảm bảo được hệ thống LTTP toàn cầu cũng như ở cấp địa phương được phát triển bền vững.
Theo ông Joao Campari, hiện có khoảng 10% hộ dân có thể bị đói. Hệ thống LTTP toàn cầu không những chịu nhiều rủi ro, mà còn gây ra tổn thất đến 60 - 70% cho đa dạng sinh học. Nhân loại đã khai thác rất nhiều từ nguồn lợi tự nhiên để có được thực phẩm, song vẫn để những vấn đề như lãng phí về LTTP xảy ra.
Do vậy yêu cầu cấp thiết lúc này là cần có những tháo gỡ trên toàn cầu, theo hướng tích hợp, về vấn đề này.
“Chúng tôi rất mừng khi Việt Nam đã có kế hoạch thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo đầu tiên về LTTP bền vững tại Đông Nam Á. Việc thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo là một trong những cách để chúng ta vừa đi nhanh, vừa đi cùng nhau mà vẫn đảm bảo sự bền vững” - ông Joao Campari nhấn mạnh.