Việt Nam trước các ‘bài toán’ về môi trường biển

30 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) có hiệu lực

Việt Nam trước các ‘bài toán’ về môi trường biển

(PLO)- Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 quy định rất chặt chẽ về vấn đề bảo vệ môi trường và Việt Nam đã quản lý biển dựa trên tinh thần của công ước suốt những thập niên qua.

Trong 30 năm kể từ ngày Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 có hiệu lực, vấn đề khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và nghiên cứu khoa học biển luôn được các quốc gia quan tâm, đặc biệt là khi vấn đề ô nhiễm môi trường biển, cạn kiệt tài nguyên biển đã và đang làm nóng bàn nghị sự của Liên hợp quốc và ở các quốc gia có biển.

p67-pgs-ts-vu-thanh-ca.jpg
PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Vũ Thanh Ca (ảnh), nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VN), nhận định: VN đã nỗ lực và đạt được nhiều thành công trong quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhưng cũng còn nhiều hạn chế, thách thức cần giải quyết sớm để đảm bảo đúng tinh thần UNCLOS đã đề ra.

UNCLOS rất xem trọng vấn đề môi trường biển

. Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của vấn đề môi trường được quy định trong UNCLOS năm 1982?

+ PGS-TS Vũ Thanh Ca: Thuật ngữ “môi trường” được nhắc tới 119 lần trong UNCLOS, thể hiện tầm quan trọng của vấn đề này. Vì đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển là một thành phần của môi trường biển nên nếu tính tới tài nguyên sinh vật, cá hoặc các thuật ngữ tương đương thì phạm vi mà vấn đề môi trường được nhắc tới lớn hơn con số trên rất nhiều.

Vì sao môi trường biển lại quan trọng? Tất cả hoạt động trên biển, đặc biệt là các hoạt động khai thác tài nguyên biển, đều có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển nên các quốc gia trong khi sử dụng hợp pháp vùng biển của mình theo quy định của công ước phải thực hiện bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản biển.

Vì biển là không gian liên thông, chất ô nhiễm môi trường tại một vùng biển của quốc gia này có thể lan tới và gây hại tại các vùng biển của các quốc gia khác. Ngay cả khi ô nhiễm môi trường, ví dụ sự cố tràn dầu, xảy ra ở vùng biển của một quốc gia chưa lan tới các quốc gia khác thì ô nhiễm môi trường đó có thể gây ảnh hưởng tới việc thực hiện quyền của các quốc gia khác, ví dụ thực hiện quyền tự do hàng hải. Vì vậy, UNCLOS đã dành rất nhiều nội dung để quy định về vấn đề môi trường nhằm đảm bảo tính bao quát, thống nhất, rõ ràng nhất có thể.

Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển
Việt Nam rất nỗ lực thực hiện các quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và nghiên cứu khoa học biển phù hợp với UNCLOS năm 1982. Trong ảnh: Ngư dân Phú Yên đánh bắt cá ngừ đại dương. Ảnh: TT

. Về tổng thể thì UNCLOS đã quy định những phạm trù nào liên quan đến môi trường biển, thưa ông?

+ Vấn đề khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và nghiên cứu khoa học biển được quy định rất chi tiết trong công ước. Ví dụ, theo UNCLOS, chỉ có các quốc gia có chủ quyền đối với một tài nguyên mới được khai thác tài nguyên đó. Căn cứ vào công ước này, quốc gia ven biển có chủ quyền với mọi loại tài nguyên nằm trong lãnh hải, có chủ quyền với tài nguyên ở trên mặt biển, trong cột nước biển, trên mặt đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, có chủ quyền với tài nguyên trên mặt đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển tại khu vực thềm lục địa…

Hay như theo tinh thần của UNCLOS, có thể hiểu rằng việc bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản biển không những để bảo vệ nguồn sống của ngư dân mà còn để bảo vệ nguồn gen, bảo vệ các hệ sinh thái biển và các dịch vụ hệ sinh thái do chúng cung cấp, vì vậy UNCLOS bao quát hết các nội dung này.

Ngoài ra, UNCLOS cũng quy định nhiều nội dung khác như ngăn ngừa việc đưa vào vùng biển của các quốc gia các loài vật ngoại lai, xâm hại; hạn chế ô nhiễm biển do các nguồn ô nhiễm từ đất liền gây ra, ô nhiễm do sự nhận chìm vật, chất ở biển, do tàu thuyền gây ra, ô nhiễm do khai thác ở đáy biển...

Việt Nam đã ban hành một hệ thống văn bản pháp luật để thể chế hóa công ước từ sau khi phê chuẩn và gia nhập, bao gồm Luật Biển Việt Nam; Luật Bảo vệ môi trường; Bộ luật Hàng hải; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo...

P67-Anhbaichinh-2.jpg
Lãnh đạo tỉnh Phú Yên và Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 tuyên truyền, hỗ trợ ngư dân chấp hành đúng pháp luật về khai thác thủy, hải sản trên biển. Ảnh: QUỐC VŨ

Việt Nam ứng dụng UNCLOS về môi trường

. Là thành viên UNCLOS, VN đã quản lý môi trường biển như thế nào để đáp ứng các yêu cầu rất chặt chẽ mà công ước này đề ra?

+ VN đã ban hành một hệ thống văn bản pháp luật để thể chế hóa công ước từ sau khi phê chuẩn và gia nhập, bao gồm Luật Biển VN; Luật Bảo vệ môi trường; Bộ luật Hàng hải; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Thủy sản, Luật Đa dạng sinh học; Luật Cảnh sát biển VN; Luật Quy hoạch và một số luật khác cũng như các văn bản dưới luật. Tất cả luật nêu trên đều có những quy định liên quan, điều chỉnh các hành vi khai thác tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên sinh vật, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và nghiên cứu khoa học biển.

Trong đó, Luật Biển VN là văn bản pháp luật quan trọng nhất, thể chế hóa một cách đầy đủ, toàn diện công ước. Ngoài những quy định về xác định vùng biển VN còn có những quy định về khai thác, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái biển và nghiên cứu khoa học biển. Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là văn bản pháp luật quy định đầy đủ nhất về các hoạt động khai thác tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên sinh vật, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và nghiên cứu khoa học biển…

Về mặt thực thi, trong những năm vừa qua, VN đã rất nỗ lực thực hiện các quy định pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và nghiên cứu khoa học biển phù hợp với UNCLOS năm 1982. VN cũng đã xây dựng, thẩm định, ban hành và tổ chức thực hiện quy hoạch không gian biển quốc gia. Các tỉnh và TP trực thuộc Trung ương có biển đã xây dựng quy hoạch tỉnh, trong đó nhiều tỉnh đã đưa vào trong quy hoạch này phương án sử dụng không gian biển ven bờ.

Ngoài ra, VN đã thực hiện những nghiên cứu liên quan tới quản lý tổng hợp vùng bờ biển gắn với lưu vực sông. Cách quản lý này ngoài việc điều phối để đảm bảo tài nguyên nước được sử dụng công bằng và hiệu quả giữa các địa phương thượng nguồn và hạ nguồn còn đảm bảo ngăn chặn chất ô nhiễm từ lưu vực sông và vùng bờ ảnh hưởng tới biển. VN cũng đã thực hiện rất nhiều giải pháp để giảm suy thoái tài nguyên sinh vật và đa dạng sinh học biển, bảo vệ các đàn cá di cư.

Nói tóm lại, công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được triển khai trên phạm vi toàn vùng biển VN đã giúp VN bảo vệ tốt hơn môi trường và các hệ sinh thái, đa dạng sinh học biển.

Hai dự án môi trường biển quan trọng

VN đã tham gia dự án “Đảo ngược xu thế suy thoái môi trường Biển Đông và vịnh Thái Lan” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) thực hiện thông qua Ban Thư ký chương trình hành động cho các biển Đông Á (EAS/RCU) từ năm 2002 tới 2009 và dự án “Thực hiện kế hoạch hành động chiến lược cho Biển Đông và vịnh Thái Lan (SCS-SAP)” với thời gian thực hiện từ năm 2019 tới 2026 do GEF tài trợ và UNEP thực hiện thông qua Cơ quan điều phối môi trường các biển Đông Á (COBSEA).

Hai dự án này đã hỗ trợ VN khôi phục các hệ sinh thái san hô, rừng ngập mặn và đất ngập nước đã bị suy thoái hoặc tăng cường tính chống chịu cho những hệ sinh thái biển đã được khôi phục.

Những thách thức cần giải quyết

. Việc áp dụng UNCLOS và thực thi các quy định pháp luật nhằm bảo vệ môi trường biển của VN còn gặp những khó khăn, thách thức nào?

+ Có nhiều hạn chế, bất cập mà đầu tiên phải kể là rác thải và nước thải. Tại nhiều địa phương, nhất là tại vùng nông thôn, tỉ lệ rác thải chưa được thu gom vẫn cao. Ngoài ra, phương pháp xử lý rác thải vẫn còn nhiều hạn chế. Một phần lượng rác thải chưa được thu gom sẽ bị gió và dòng chảy mặt vận chuyển ra kênh rạch rồi ra sông, cuối cùng là ra biển gây ô nhiễm chất dinh dưỡng và rác thải nhựa. Chỉ có một tỉ lệ nhỏ (khoảng 20%) nước thải sinh hoạt đã được thu gom và xử lý đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường. Phần còn lại của nước thải sinh hoạt vẫn được xả thẳng ra môi trường, gây ô nhiễm kênh rạch, sông ngòi và cuối cùng là ô nhiễm biển.

Ngoài ra, hiện nay mới có một tỉ lệ rất nhỏ diện tích mặt biển được bảo tồn, rất xa mục tiêu cam kết của VN là 10% diện tích vùng biển quốc gia. Vẫn còn hiện tượng ngư dân xâm nhập và đánh bắt trái phép trong khu vực được bảo vệ của các khu bảo tồn biển; vấn đề đánh bắt quá mức nguồn lợi thủy sản vẫn chưa được giải quyết triệt để; hiện tượng đánh bắt các loài thủy sản chưa đạt tuổi khai thác vẫn diễn ra phổ biến. Vì những lý do như vậy, dù các cơ quan chức năng của VN rất cố gắng nhưng thẻ vàng do Ủy ban châu Âu (EC) áp đặt lên ngành khai thác thủy sản VN vẫn chưa được xóa, gây thiệt hại cho ngành xuất khẩu thủy sản.

. Về pháp luật thì có hạn chế nào không, thưa ông?

+ Có chứ, ví dụ một số quy định pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo chưa được rà soát, điều chỉnh kịp thời. Đặc biệt, Luật Quy hoạch chỉ quy định về việc lập quy hoạch không gian biển quốc gia mà không quy định quy hoạch không gian biển ở cấp tỉnh. Do vậy, trong quy hoạch tỉnh của rất nhiều tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có biển không có hợp phần phương án sử dụng không gian biển ven bờ, gây khó khăn trong việc bố trí không gian cho nhiều hoạt động kinh tế biển, bảo vệ môi trường, các hệ sinh thái biển.

Những bất cập và thách thức này, theo tôi cần được sớm giải quyết triệt để.

. Xin cảm ơn ông.•

Cần quản lý tổng hợp biển và hải đảo

Hệ thống pháp luật điều chỉnh khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo trước đây ở VN chủ yếu theo ngành và lãnh thổ. Ví dụ, các bộ, ban ngành quản lý từng lĩnh vực hoạt động trên biển theo pháp luật và phân công của Thủ tướng Chính phủ. Các tỉnh và huyện, xã thực hiện quản lý biển, hải đảo và vùng bờ theo phân cấp. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, các bộ, ban ngành, tỉnh, huyện, xã đều xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ công tác quản lý nhà nước của mình.

Vì việc quản lý ngành chỉ tập trung quản lý việc khai thác một hoặc một số chức năng nhất định mà chưa tính đến các chức năng của vùng biển một cách tổng thể, việc phối kết hợp giữa các ngành, các cấp trong khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển, hải đảo còn có những bất cập nhất định. Do vậy, quản lý theo ngành và lãnh thổ có thể gây ra việc khai thác quá mức một hoặc một số chức năng của các vùng biển, ven biển và hải đảo, làm ảnh hưởng tới các chức năng khác.

Để khắc phục các nhược điểm trên, cần áp dụng phương thức quản lý tổng hợp biển và hải đảo. Phương thức quản lý này hướng tới sử dụng và phát triển bền vững các nguồn tài nguyên biển bằng cách dự báo nhu cầu sử dụng chúng trong tương lai và lập kế hoạch khai thác, kiểm soát; đồng thời, phải hài hòa lợi ích của các bên liên quan trong việc khai thác và sử dụng bền vững biển.

PGS-TS VŨ THANH CA

Đọc thêm