Việt Nam xuất siêu năm thứ 7 nhưng đối diện nhiều thách thức

(PLO)-  Năm 2022, bất chấp nhiều khó khăn, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu với thặng dư gần 11 tỷ USD.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Dự kiến năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 371,5 tỷ USD, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD. Trong số các mặt hàng xuất khẩu, có 39 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, tăng 4 so với năm ngoái; 9 mặt hàng ghi nhận kim ngạch trên 10 tỷ USD.

Thông tin trên được Bộ Công Thương cho biết tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2023, chiều 26-12.

Làm rõ hơn các thành tích Bộ Công Thương đã đạt được, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, năm 2022, sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực, dự kiến chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm tăng hơn 9%, cao hơn cùng kỳ năm trước.

Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2023 của ngành Công Thương, chiều 26-12.

Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2023 của ngành Công Thương, chiều 26-12.

Ngành điện đã đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sinh hoạt của người dân. Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Hoạt động thương mại trong nước phục hồi tích cực. Dự kiến, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 tăng 21%, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành…

Bên cạnh những kết quả đó, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng thẳng thắn nhìn nhận sự phát triển của ngành Công Thương năm 2022 vẫn còn một số tồn tại. Đơn cử như năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, xuất khẩu tăng cao nhưng mức độ phụ thuộc vào FDI vẫn còn lớn.

Tốc độ đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết.

Đáng chú ý, xuất khẩu tăng chậm lại từ quý IV, đơn hàng giảm, cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng. Một số mặt hàng chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, trong khi giá xuất khẩu giảm, đã làm giảm sức cạnh tranh sản phẩm... Điều này đã ảnh hưởng lớn tới tốc độ tăng xuất khẩu chung cả nước.

Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Vũ, thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, đánh giá cao về những kết quả mà ngành Công Thương đã đạt được trong năm 2022 đầy biến động, khó khăn tứ bề.

Theo ông Vũ, trong số những kết quả đó có điểm sáng quan trọng nhất là ngành đã duy trì được thành tích về xuất khẩu.

“Trong giai đoạn đoạn 2015-2021, cứ 4 năm, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 100 tỷ. Nhưng trong năm 2022, chỉ trong một năm, kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng hơn 100 tỷ USD. Điều đó cho thấy mức tăng trưởng xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu tăng rất mạnh” - ông Vũ dẫn chứng.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho hay, năm 2023, bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo phức tạp hơn, khó khăn hơn, nhiều khả năng suy thoái dẫn đến mức tăng trưởng dưới 1%. Ông Vũ cho rằng đây sẽ là thách thức rất lớn với Chính phủ, các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương, đòi hỏi phải có các kịch bản ứng phó.

Bước sang năm 2023 ngành Công Thương phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng từ 8-9% so với năm 2022; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2022; cán cân thương mại duy trì xuất siêu; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8-9% so với năm 2022.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm