Nông nghiệp xuất siêu 7,82 tỉ USD

(PLO)- Điểm sáng trong bức tranh của ngành nông nghiệp năm 2022 là lần đầu tiên xuất khẩu thuỷ sản chạm mốc 10 tỉ USD.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mặc dù chịu nhiều khó khăn do dịch bệnh cũng như tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, sản xuất nông, lâm thủy sản 11 tháng đầu năm nay của nước ta vẫn đạt nhiều kết quả khả quan.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản ước trên 49 tỉ USD, xuất siêu 7,82 tỉ USD, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đóng góp vào kết quả chung này là nhóm nông sản chính đạt giá trị trên 20,73 tỉ USD, tăng 6,6%; lâm sản chính khoảng 15,59 tỉ USD, tăng 8,2%; thủy sản đạt 10,14 tỉ USD, tăng 27,0%; đầu vào sản xuất trên 2,2 tỉ USD, tăng 38,1%.

Điểm sáng trong bức tranh của ngành nông nghiệp là lần đầu tiên xuất khẩu thuỷ sản đã chạm mốc 10 tỉ USD. Ảnh: VASEP

Điểm sáng trong bức tranh của ngành nông nghiệp là lần đầu tiên xuất khẩu thuỷ sản đã chạm mốc 10 tỉ USD. Ảnh: VASEP

Đến nay, có 8 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỉ USD là cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ. Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước.

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt 12,3 tỉ USD, đứng thứ hai là Trung Quốc khoảng 9,3 tỉ USD, thứ ba là Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt 3,9 tỉ USD, thứ tư là Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt 2,3 tỉ USD.

Bức tranh tổng quát trên được Bộ NN&PTNT đưa ra hôm nay, 30-11.

Nhận định về thách thức thời gian tới, Bộ NN&PTNT cho biết với thị trường Trung Quốc thì hàng Thái Lan đang có lợi thế do đồng Bath của nước này mất giá hơn VND - trong tương quan với USD cũng như Nhân dân tệ. Vậy nên, Trung Quốc đang có xu hướng nhập khẩu hàng Thái Lan nhiều hơn.

Với thị trường EU, việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu gỗ rất nghiêm ngặt nên xuất khẩu viên nén gỗ từ Việt Nam sang còn khiêm tốn. Tiêu chuẩn của EU hiện cao hơn hàng xuất khẩu đi Nhật Bản và Hàn Quốc, đây là một thách thức rất lớn, đòi hỏi phải đầu tư lớn để cải thiện thiết bị và công nghệ.

Để mở rộng hơn nữa thị trường cho nông sản Việt, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương tổ chức triển khai nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng, chanh leo (thí điểm tạm thời) sang Trung Quốc; bưởi xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Cơ quan này cũng tiếp tục đàm phán các nội dung kỹ thuật để sớm ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với các trái cây khác như thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, xoài xuất khẩu sang Trung Quốc; kiểm tra trực tuyến hàng tuần với Hải quan Trung Quốc đối với mặt hàng chuối và sầu riêng; làm việc với thanh tra kiểm dịch thực vật Nhật Bản sang kiểm tra các cơ sở xử lý thanh long, xoài, nhãn của Việt Nam xuất khẩu…

Với thị trường trong nước, Bộ cũng chủ động động phối hợp với địa phương, hiệp hội ngành hàng theo dõi biến động thị trường, nhất là nguồn cung và giá cả các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong nước như thịt heo, gạo, phân bón, thức ăn chăn nuôi; các mặt hàng đang có biến động về giá (hồ tiêu, cá tra, cà phê, thịt gia cầm) đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và cân đối cung cầu dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm