Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài là một trong hai sân bay căn cứ lớn nhất của Vietnam Airlines. Đối với nhiều nước trên thế giới, các hãng hàng không lớn có nhà ga riêng tại sân bay căn cứ để phục vụ riêng các chuyến bay, hành khách của mình là rất phổ biến.
Việc xin mua lại nhà ga hành khách T1 (không bao gồm phần mở rộng mới – sảnh E) là hình thức phù hợp với chủ chương xã hội hóa hạ tầng cơ sở tại các sân bay ở Việt Nam của Bộ GTVT để tạo nguồn vốn đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển các dự án mới. Đồng thời, cách thức này sẽ giúp hãng có điều kiện thuận lợi trong việc tìm biện pháp giảm chi phí vận tải hàng không, nâng cao hiệu quả kinh doanh; linh hoạt và chủ động trong sắp xếp khai thác tại nhà ga, phòng chờ, các quầy và mặt bằng để nâng cao chất lượng dịch vụ, thuận tiện khai thác; đồng thời quản lý và chịu trách nhiệm trực tiếp đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ và thuận lợi cho hành khách.
Hãng cam kết đảm bảo thực hiện nghiêm túc và nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ hàng không và phi hàng không khi được giao quản lý và khai thác.
Trước đó, hãng hàng không Vietjet đã có văn bản đề xuất Bộ GTVT nhượng quyền khai thác thương mại toàn bộ nhà ga hành khách T1 tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài trong thời hạn 20 năm. Tuy nhiên Bộ GTVT mới đồng ý về nguyên tắc cho Vietjet được nhượng quyền khai thác khu vực sảnh E là một hạng mục của nhà ga T1.
Hiện nay, toàn bộ cảng hàng không trong cả nước đều thuộc sự quản lý, khai thác của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - một doanh nghiệp trực thuộc Bộ GTVT. Bộ GTVT đang thực hiện mạnh mẽ chủ trương cổ phần hoá Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và bán, nhượng quyền thu phí toàn bộ hoặc một phần hạng mục sân bay quốc tế để lấy vốn đầu tư sân bay mới.