VIFON làm rõ lý do Ba Lan trả về một lô mì ăn liền

(PLO)- Quyết định từ chối nhập của cơ quan chức năng tại Ba Lan đến từ các sai sót trong chứng thư bao gồm các lỗi như đánh dấu thiếu vào các ô cần được đánh dấu, ghi sai trọng lượng lô hàng...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Công ty Cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (VIFON) vừa có công văn gửi Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương để làm rõ thông tin lô hàng L01965.

Công văn cho biết, tuần vừa qua đối tác nhập khẩu tại Ba Lan đã làm thủ tục trả hàng về Việt Nam cho lô hàng L01965, số lượng 5.403 thùng với số invoice 120322DE, ATD 12-3-2022; số B/L No. SGNO215118.

Trả hàng do lỗi giấy tờ

Tuy nhiên, ngày 22-7 xuất hiện thông tin “Mì ăn liền lại bị cảnh báo ở EU vì chứa chất cấm ethylene oxide vượt ngưỡng” trong đó có nhắc tới công ty VIFON. Do đó, VIFON báo cáo Bộ Công thương để minh bạch thông tin.

Cụ thể, lô hàng nêu trên có chất lượng sản phẩm hoàn toàn đạt chuẩn EU khi kiểm tra, kiểm định và không có chứa ethylene oxide (EO)

Kết quả phân tích hàm lượng ethylene oxide do công ty Eurofins Sắc Ký Hải Đăng thực hiện số EUVNHC-00162187 chỉ rõ không phát hiện chất này trong các sản phẩm từ lô hàng trên.

Quyết định từ chối nhập từ phía cơ quan chức năng tại Ba Lan ngày 19-5-2022, số lượng 5403 thùng, lô L01956, ngày trả về trên giấy tờ là 14-7-2022, đến từ các sai sót trong chứng thư (Certificate) bao gồm các lỗi như đánh dấu thiếu vào các ô cần được đánh dấu, ghi sai trọng lượng lô hàng, ghi sai mã HS Code.

Việc chuẩn bị chứng thư mới thực hiện lần đầu nên không tránh khỏi các sai sót về thủ tục hành chính, lỗi con người, dẫn đến bộ giấy tờ bị trả về, không liên quan tới chất lượng sản phẩm của lô hàng.

Nội dung không rõ ràng trên một số phương tiện truyền thông đã dẫn tới luồng dư luận hiểu nhầm rằng lô hàng xuất khẩu của VIFON bị thu hồi vì lý do chứa chất cấm EO vượt ngưỡng.

Điều này làm tổn hại nghiêm trọng, trực tiếp tới uy tín của VIFON tại thị trường trong nước cũng như tất cả các thị trường xuất khẩu. Hơn nữa còn gây tâm lý nghi ngại, tẩy chay đối với một thương hiệu Việt Nam lâu đời như VIFON.

Vụ Khoa học và Công nghệ thông tin sơ bộ về vụ việc

Trước đó, Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS) cho biết, từ tháng 1-2022 đến 21-7-2022, trên hệ thống cảnh báo về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU đã phát đi 2.531 cảnh báo.

Riêng Việt Nam có 50 cảnh báo liên quan đến các mặt hàng thực phẩm, nông sản xuất khẩu vào thị trường EU. Trong các cảnh báo này, có ba cảnh báo từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 7 liên quan đến mì ăn liền của Việt Nam xuất khẩu vào EU.

Được biết, ngay sau khi nhận được thông tin trên, qua rà soát sơ bộ của Vụ Khoa học và Công nghệ cuối ngày 22-7, trong ba trường hợp bị cảnh báo chỉ có một trường hợp được xác định có chỉ tiêu EO vượt ngưỡng quy định.

Cụ thể, đối với sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia, quốc gia Malta xác định mối nguy là sản xuất từ gạo biến đổi gene. Doanh nghiệp có trách nhiệm đáp ứng quy định về các sản phẩm theo các tiêu chuẩn mà nước nhập khẩu đưa ra.

Đối với cảnh báo từ Ban Lan, sản phẩm mì ăn liền vị gà của công ty VIFON, thông tin ban đầu hồ sơ nhập khẩu của doanh nghiệp chưa đầy đủ nên bị trả lại.

Đối với cảnh báo của Đức về sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri của công ty cổ phần thực phẩm Á Châu, hiện vẫn đang được xác minh.

Tuy nhiên, có khả năng lô hàng này xuất khẩu từ năm 2021, theo quy định của EU, thời điểm này các lô hàng chưa bị kiểm soát chỉ tiêu EO khi xuất khẩu.

Bộ Công Thương đang tiếp tục xác minh làm rõ các thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm