Vinasun vẫn tố Grab làm doanh thu của mình sụt giảm

Ngày 19-10, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xử vụ tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun (gọi tắt là Vinasun) và Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab).
Hôm nay đã là ngày làm việc thứ ba của phiên toà. Sáng nay, phiên toà bắt đầu với phần hỏi của đại diện VKSND TP.HCM.

Các câu hỏi xoay quanh vấn đề về thuế, mục đích kinh doanh cũng như vì sao Grab lỗ 1.726 tỉ đồng trong ba năm.

Vinasun cho biết Vinasun nhận thấy từ khi GrabTaxi xuất hiện thì Vinasun gặp những bất lợi, khó khăn trong việc kinh doanh khiến doanh thu sụt giảm. Những năm 2015 - 2016 là giai đoạn Grab bắt đầu hoạt động. Qua xem xét báo cáo tài chính, so sánh doanh thu của công ty mẹ thì Vinasun nhận thấy tỉ lệ tăng doanh thu bị sụt giảm. Riêng năm 2017 so với 2016 giảm 43,2%.

“Khi có những dấu hiệu, tác động ảnh hưởng trực tiếp đến ngành nghề kinh doanh thì chúng tôi phải phản ứng và nỗ lực điều chỉnh hoạt động kinh doanh. Doanh thu sụt giảm nhưng hàng năm chúng tôi đều phải đầu tư xe mới để thay thế các xe đã cũ, bởi theo quy định của Bộ GTVT thì xe taxi chỉ được hoạt động 8 năm" - đại diện Vinasun trình bày.
Vinasun cho biết thêm: Năm 2014, Grab bắt đầu vào thị trường. Đến năm 2015, Grab đã hoạt động phát sinh doanh thu. Tuy nhiên, theo Thông tư 63/2014 thì Grab không được kết hợp với các tài xế mà chỉ được cung ứng các phần mềm ứng dụng nhằm mục đích hỗ trợ cho điều hành hoạt động vận tải, quản lý doanh nghiệp. Vinasun cho rằng Grab đã có những sai phạm làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của taxi truyền thông. Vì vậy, Grab phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại đã gây ra.


Đại diện Vinasun


Đại diện Grab

Grab trình bày trước toà rằng tháng 2-2014, Grab vào thị trường Việt Nam. Thời điểm này chưa có Đề án 24. Mục tiêu kinh doanh của Grab tại Việt Nam là kinh doanh cung cấp dịch vụ công nghệ cho các công ty taxi. Khi đăng kí ngành nghề kinh doanh, Grab có đăng ký là công ty cung cấp dịch vụ công nghệ. Ngoài ra, Grab còn đăng ký thêm một số ngành nghề và chức năng khác như: ứng dụng máy tính, phát triển phần mềm và kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, thực tế Grab không kinh doanh hết các lĩnh vực đã đăng ký.

Ngày 2-3-2017, Grab nhận được quyết định của Bộ Công Thương đề nghị rút ngành nghề kinh doanh vận tải vì chưa bao giờ sử dụng ngành nghề đó. Grab đã rút bỏ ngành nghề này.
Đại diện VKS công bố thông tin theo báo cáo của Bộ Tài chính, giai đoạn 2014-2017, Grab báo lỗ 1.726 tỉ đồng, chủ yếu là tiếp thị và quảng cáo. Trong giai đoạn này doanh thu thấp hơn lỗ. Cụ thể, vào năm 2017, doanh thu chỉ 758 tỉ đồng, còn lỗ 788 tỉ đồng; các năm trước cũng tương tự.
Trả lời vấn đề này, Grab cho biết năm 2017, Cục Thuế TP.HCM đã có quyết định rằng trong khoản 788 tỉ đồng lỗ thì có khoảng 41 tỉ không được tính vào, theo đó, số lỗ chỉ còn 747 tỉ đồng. Như vậy có thể nói là đã có lãi. Khi vào Việt Nam, Grab có mục tiêu là để thị trường và khách hàng hiểu được công nghệ, chấp nhận và sử dụng công nghệ của Grab. Grab phải bước đầu bỏ tiền ra để đầu tư và cho người tiêu dùng Việt Nam làm quen loại hình mới.
Về các vấn đề liên quan đến lỗ, Grab cho rằng, không hoàn toàn là do tiếp thị hay quảng cáo mà còn chi phí thưởng cho đối tác và tài xế. Ở nhiều giai đoạn, chi phí thưởng cho lái xe còn nhiều hơn khuyến mãi. Ngoài ra, còn chi phí cho những nghiên cứu và phát triển để hỗ trợ cho công nghệ.
Theo Grab, lý do để bỏ chi phí thưởng cho lái xe vì họ chăm chỉ, họ đạt nhiều cuốc xe và để nâng cao tinh thần. Khi họ làm việc chăm chỉ thì sẽ giúp cho xã hội phát triển hơn.
Mục đich của Grab là cung cấp công nghệ, dịch vụ về công nghệ, từ đó hỗ trợ xã hội, hỗ trợ người dân kết nối công nghệ để cuộc sống thuận tiện hơn. Grab không chỉ cung cấp về công nghệ mà còn cung cấp các dịch vụ giao đồ ăn, giao tài liệu, dịch vụ thanh toán kỹ thuật số với mong muốn tạo ra cuộc sống tốt hơn. Đây cũng chính là mục tiêu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mà Grab đang hướng tới.
Được hỏi mục đích kinh doanh của Grab là gì nếu thu lợi luôn thấp hơn chi, đại diện Grab lý giải: "Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra môi trường hỗ trợ cho hành khách, khách hàng và các doanh nghiệp kết nối tốt hơn, thuận tiện hơn. Nếu đã kinh doanh thì tất cả công ty đều hướng về lợi nhuận, chúng tôi cũng có những cam kết với các nhà đầu tư và các nhà đầu tư cũng rất tin tưởng chúng tôi. Gần đây, chúng tôi tiếp tục nhận được khoản đầu tư hơn 3.000 USD".
Đại diện Grab cũng công khai trước toà rằng giai đoạn 2014- 2017, khoản lỗ giảm dần và đến năm 2018 dự kiến tiền thuế Grab nộp sẽ tăng gấp 3 lần năm 2017. Ngoài ra, Grab đang đầu tư rất nhiều nền tảng khác. Để làm được điều này, Grab phải phát triển bền vững và nằm trong chiến lược kinh doanh trước khi tiến sâu vào thị trường Việt Nam.

Cuối buổi sáng, phiên toà bước vào phần tranh luận. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới