Ngày 18-10, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xử vụ tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun (gọi tắt là Vinasun) và Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab).
Grab có chỉ cung ứng dịch vụ kết nối?
Trong sáng qua, hai bên đối đáp xoay quanh vấn đề Grab có phải “chỉ cung ứng dịch vụ kết nối” hay không.
Phía Vinasun dẫn chứng việc nếu tài xế từ chối đón khách thì sẽ bị Grab phạt tiền. “Lý do Grab phạt đối với quyền lựa chọn của tài xế là gì? Chúng tôi cho rằng đây chính là dấu hiệu cho thấy Grab không phải “chỉ cung ứng dịch vụ kết nối”” - phía Vinasun đặt vấn đề.
Phía Grab trả lời phần mềm sẽ kết nối với các tài xế gần nhất. Khi tham gia, trách nhiệm của tài xế là phải sẵn sàng đón khách khi tài xế ở gần nhất. Lợi ích của khách hàng là trên hết. Với một số tài xế thì phạt tiền sẽ tốt hơn là ngừng kết nối hoặc chấm dứt. Đây là nguyên tắc ứng xử đạo đức trong hợp tác của các bên.
Phía Vinasun hỏi: “Có hay không việc khi tài xế vi phạm, Grab buộc tài xế đến công ty để lập biên bản và nộp phạt, trong thời gian chưa thực hiện đầy đủ thì Grab sẽ khóa hoặc tạm ngưng kết nối?”. Phía Grab trả lời: “Grab muốn cho đối tác một cơ hội để tiếp tục kiếm sống và thu lợi nhuận nên có quy định như vậy”.
Phía Vinasun hỏi tiếp: “Giai đoạn 2014-2017, Grab báo lỗ 1.700 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ 20 tỉ đồng. Vậy thì lấy tiền đâu hoạt động?”. Phía Grab trả lời: “Đó là bí mật kinh doanh”.
Đại diện Grab cũng nhấn mạnh trước tòa: “Chúng tôi sử dụng công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh vận tải kết nối giữa tài xế và hành khách, đồng thời tạo ra lợi ích cho người tiêu dùng”.
Sau khi nghỉ giải lao, phiên tòa tiếp tục với phần Grab hỏi Vinasun.
Đại diện Grab đang hỏi phía Vinasun tại tòa chiều 18-10. Ảnh: PL
Phía Grab hỏi: “Thông tin khách hàng khi đăng ký ứng dụng đặt xe của Vinasun có cung cấp cho bên thứ ba hay không?”. Phía Vinasun trả lời: “Chúng tôi không kinh doanh phần mềm và không giao kết với nhau bằng hợp đồng điện tử. Ứng dụng Vinasun chỉ là phương tiện để Vinasun kết nối với khách hàng thông qua phần mềm”.
Phía Grab hỏi tiếp: “Thông tin khách hàng có được bảo mật hay không?”. Phía Vinasun trả lời: “Chúng tôi cam kết bảo mật và chỉ cung cấp cho bên thứ ba là các cơ quan tố tụng theo luật định khi được yêu cầu”…
Vinasun bị thiệt hại chủ yếu do Grab?
Buổi chiều, hai bên tập trung hỏi đáp các vấn đề liên quan đến giám định thiệt hại của Vinasun.
Ban đầu do Grab không đồng ý kết quả giám định thiệt hại của hai công ty do Vinasun thuê nên đề nghị tòa lựa chọn và tòa đã trưng cầu Công ty Giám định Cửu Long.
Phía Grab hỏi Vinasun có đồng ý với kết luận giám định thiệt hại và các kiến nghị của công ty giám định hay không? Phía Vinasun trả lời tôn trọng kết luận giám định này vì là cơ sở để phục vụ cho việc xét xử của tòa.
Phía Grab cho biết có đọc báo cáo nghiên cứu thị trường về việc Vinasun mất khách hàng là do thái độ của tài xế, thời gian khách hàng phải bỏ ra khi chờ đón xe, chất lượng xe... và hỏi Vinasun có đồng ý không. Phía Vinasun trả lời đó là một phần của những nguyên nhân thiệt hại của Vinasun, không thể cắt khúc ra để hỏi có đồng ý không. Việc khuyến mãi tràn lan, giá cước rẻ của Grab mới là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại cho Vinasun vì khách hàng bỏ Vinasun để chọn Grab.
Theo phía Vinasun, năm 2015, lợi nhuận sau thuế của Vinasun là gần 320 tỉ đồng, đến năm 2016 còn hơn 295 tỉ đồng. Kết quả kinh doanh quý I, quý II năm 2017 của Vinasun chỉ còn 53 tỉ đồng. Đến hết quý II-2017, hơn 8.000 nhân viên của Vinasun nghỉ việc, hàng trăm đầu xe phải nằm bãi…
Phía Grab hỏi về số lượng đầu xe của Vinasun, từ đó cho rằng số tiền thiệt hại mà Vinasun cho rằng do Grab gây ra theo cách tính toán thiệt hại mà Công ty Cửu Long thực hiện là không chính xác. Theo phía Grab, một doanh nghiệp taxi có hơn 6.500 xe mà theo báo cáo trong năm 2016 chỉ có trung bình hai xe nằm bãi không kinh doanh mỗi ngày thì không thể bị thiệt hại do hoạt động của Grab gây ra. Phía Vinasun đáp trả rằng lấy số đầu xe nằm bãi một thời gian ngắn để tính thiệt hại cho cả một giai đoạn là không chính xác vì mỗi khoảng thời gian có một tỉ lệ khác nhau.
Hôm nay tòa tiếp tục xét xử.
Không triệu tập người theo yêu cầu của Grab Tại phiên xử sáng qua, khi bắt đầu phần hỏi đối với Vinasun, đại diện Grab đề nghị HĐXX triệu tập Công ty Giám định Cửu Long; đề nghị triệu tập nhân chứng là đại diện Bộ GTVT để làm rõ việc triển khai Đề án 24 có vi phạm vấn đề gì không; đề nghị triệu tập đối tác của Grab là các doanh nghiệp cùng tham gia Đề án 24; triệu tập hai công ty mà Vinasun thuê khảo sát thị trường... Theo phía Grab, việc triệu tập những người này là hết sức quan trọng nhằm làm rõ nhiều vấn đề chưa được sáng tỏ và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của Grab trong vụ kiện. HĐXX cho rằng các đề nghị này nằm trong phần thủ tục. Ngày xử đầu tiên HĐXX đã hỏi có yêu cầu gì thêm không nhưng Grab chỉ đưa ra hai yêu cầu. Hiện phiên tòa đang ở phần hỏi nên không chấp nhận các đề nghị này, tuy nhiên HĐXX vẫn ghi nhận và xem xét khi nghị án, nếu thấy cần thiết sẽ chấp nhận đề nghị của Grab. Đại diện VKS cũng đồng quan điểm với HĐXX. |