Sáng 17-10, TAND TP.HCM đã mở phiên xử vụ đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Công ty Ánh Dương - đơn vị sở hữu thương hiệu Taxi Vinasun, nguyên đơn) với Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam (GrabTaxi, bị đơn).
Tòa bác yêu cầu giữ bí mật kinh doanh
Tại phiên tòa, phía GrabTaxi đề nghị hoãn xử vì phía Công ty Cửu Long (đơn vị giám định độc lập được tòa chỉ định để giám định thiệt hại (nếu có) của Vinasun) vắng mặt. Theo phía GrabTaxi, sự có mặt của phía Công ty Cửu Long là hết sức cần thiết bởi nghiên cứu và cách tính của công ty này có rất nhiều sơ hở và có nhiều vấn đề cần phải làm sáng tỏ. Nếu công ty này vắng mặt sẽ gây rất nhiều khó khăn cho việc xác định chứng thư giám định của Cửu Long, cũng như gây khó khăn cho việc tranh tụng, bảo vệ quyền lợi của GrabTaxi tại tòa.
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng HĐXX có quyền xét xử vắng mặt người giám định. HĐXX công bố kết luận giám định tại phiên tòa. Nếu phía GrabTaxi không đồng ý với kết luận giám định được công bố tại phiên tòa và có yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại, nếu xét thấy việc này là cần thiết cho việc giải quyết vụ án thì HĐXX sẽ quyết định giám định bổ sung, giám định lại. Khi đó HĐXX sẽ tạm ngưng phiên tòa…
Trong quá trình vụ án được đưa ra xét xử, phía GrabTaxi có kiến nghị về việc phía Vinasun không được tiếp cận nhiều tài liệu cũng như không công bố các tài liệu này trước tòa. Phía Vinasun đã khiếu nại và được lãnh đạo TAND TP.HCM đồng ý cho phía Vinasun tiếp cận, sao chụp hồ sơ của GrabTaxi. Phía GrabTaxi khiếu nại lên cấp cao hơn nhưng đến nay chưa có kết quả giải quyết.
Tại phiên tòa, phía GrabTaxi tiếp tục yêu cầu HĐXX giữ bí mật kinh doanh nhưng HĐXX không chấp nhận bởi cho rằng phía Vinasun khiếu nại và đã được giải quyết, được sao chụp hồ sơ.
Đại diện bên nguyên đơn (ảnh trái) và đại diện bên bị đơn tại tòa. Ảnh: PL
Vinasun: “GrabTaxi gây thiệt hại hơn 41 tỉ đồng”
Vinasun cho rằng hoạt động của GrabTaxi không thuộc kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Giao dịch của GrabTaxi không phải là “hợp đồng điện tử” theo Luật Giao dịch điện tử và quy định pháp luật về hợp đồng. GrabTaxi không tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. GrabTaxi vi phạm Đề án 24 của Bộ GTVT. Vi phạm hai hợp đồng trong một chuyến đi khi GrabTaxi tổ chức dịch vụ GrabShare. GrabTaxi vi phạm pháp luật về khuyến mãi, thuế. Hoạt động của GrabTaxi phá vỡ quy hoạch về giao thông đô thị, gây thiệt hại không chỉ cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi mà còn xâm hại đến lợi ích nhà nước, lợi ích xã hội…
Tại phiên tòa hôm qua, phía Vinasun vẫn giữ nguyên quan điểm phía GrabTaxi vi phạm Đề án 24 và pháp luật về giao thông vận tải. Việc làm của GrabTaxi đã gây thiệt hại nặng nề cho Vinasun nên Vinasun khởi kiện yêu cầu GrabTaxi phải bồi thường cho mình hơn 41 tỉ đồng. Vinasun kiện về giá khuyến mãi trong kinh doanh chứ không khởi kiện Đề án 24 đối với Grab. Việc Vinasun kiện GrabTaxi đòi bồi thường thiệt hại là do hành vi Grab kinh doanh taxi trái pháp luật, trái Đề án 24...
GrabTaxi: “Chúng tôi không vi phạm”
Trong khi đó, theo phía GrabTaxi, tòa án không có thẩm quyền giải quyết vụ kiện này mà phải là Bộ GTVT. Nếu Vinasun cho rằng hoạt động kinh doanh theo Đề án 24 gây thiệt hại cho Vinasun thì Vinasun phải kiện Bộ GTVT theo thủ tục tố tụng hành chính. Đến thời điểm hiện tại, Vinasun vẫn chưa cung cấp tài liệu nào chứng minh thiệt hại của mình là có cơ sở. GrabTaxi cũng khẳng định nếu GrabTaxi vi phạm Đề án 24 thì các cơ quan chức năng có thể vào cuộc nhưng hiện nay đơn vị này vẫn không hề bị xử lý.
Cũng theo phía GrabTaxi, họ là công ty cung cấp công nghệ để kết nối giữa các công ty vận tải với tài xế và hành khách. Đề án 24 là quyết định mở cho các công ty cung cấp công nghệ để kết nối ở một ngành nghề nào đó và phía Grab hoàn toàn tuân thủ theo Đề án 24. Bộ GTVT đã hai lần xem xét và kết luận hoạt động theo đề án thí điểm của GrabTaxi không phải là hoạt động kinh doanh vận tải. Chính phủ đã đồng ý gia hạn đề án thí điểm với xe hợp đồng điện tử cho đến khi nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014 có hiệu lực.
Về các vấn đề liên quan đến bản chất pháp lý của hợp đồng vận tải điện tử, phía GrabTaxi cho rằng chương trình GrabShare phù hợp với quy định của pháp luật được khẳng định bởi Bộ Tư pháp. Bị đơn tuân thủ các yêu cầu về hợp đồng vận tải điện tử theo Đề án 24...
Hôm nay, tòa tiếp tục xét xử.
Bốn lần mở phiên xử Đây là lần thứ tư TAND TP mở phiên xử giải quyết vụ tranh chấp này. Phiên xử được mở lần đầu tiên vào tháng 2-2018, sau đó HĐXX tạm dừng để các bên thu thập, bổ sung thêm chứng cứ. Ngày 7-3, tòa mở phiên xử, sau đó quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ Sở KH&ĐT TP.HCM, Sở GTVT TP.HCM, Bộ GTVT cung cấp một số tài liệu liên quan. Ngày 24-9, lần thứ ba tòa đưa vụ án ra xét xử rồi lại tạm dừng do bị đơn có xin hoãn xử và không có mặt tại tòa… |