Vĩnh biệt Hoài Anh - "Người chở đò thời đại"

19 giờ 25 ngày 24-3, nhà thơ Hoài Anh đột ngột ra đi ở tuổi 75, để lại giới văn nghệ khoảng trống vắng, tiếc thương. Gần 70 tác phẩm với hàng vạn trang viết, nhà thơ Hoài Anh đoạt nhiều giải thưởng cả về văn học và sân khấu.

Ở Sài Gòn, ngoài nhà văn Sơn Nam, nhà thơ Hoài Anh là người giữ kỷ lục về đi bộ. Cả đời không biết đi xe đạp nhưng bước chân của ông trải dài khắp Bắc-Nam. Ông tâm sự: “Đi bộ không phải vì không biết đi xe máy mà bởi vì từ nhỏ tôi đã muốn làm một người-bút (l’homme-stylo), tức là đem cơ thể của mình phục vụ cho việc viết văn, cơ quan nào không dùng cho viết văn thì cứ việc thoái hóa, tức là bắt cái xác tuân theo sự điều khiển của cái hồn khi viết”.

Năm 13 tuổi, ông bị ngã gãy tay, sau đó lại bị ngã gãy tay hai lần nữa, từ đó bị tật không viết được, phải đánh máy chữ. Thế là mộng làm người-bút của ông không thành, chỉ thành người-máy chữ. Cũng do ngã gãy tay ba lần nên mấy lần ông tập đi xe đạp nhưng không đủ sức thắng đều bị ngã, sợ bị gãy tay nữa nên không dám tập. “Trong cái rủi có cái may, tôi không phải đi lính. Chính nhờ thế tôi tập trung sáng tác” - ông từng tâm sự vậy.

Vĩnh biệt Hoài Anh - "Người chở đò thời đại" ảnh 1

Nhà thơ Hoài Anh. Ảnh: NT

Ông viết nhiều lĩnh vực nhưng vẫn thích gọi là nhà thơ. Gần gũi với ông hơn 10 năm, tôi biết ông khao khát viết, khao khát làm sao được xuất bản những tác phẩm tâm huyết.Trời đã lấy đi thính giác nhưng trời lại phú cho ông trí nhớ Đông Tây kim cổ. Năm nào ông cũng có tác phẩm trình làng. Riêng năm 2008, ông nhờ tôi đánh máy, sửa bản thảo tập năm cuốn Người chở đò thời đại, ông đều đặn đến nơi tôi làm việc để chỉnh sửa dù chỉ là chi tiết nhỏ. Tôi có vinh dự làm thư ký cho ông những tác phẩm cuối đời. Tôi tin ông vẫn sống mãi trong lòng bạn đọc và trong tôi…

Nhà văn Triệu Xuân đã tổng kết về ông: “Ông có bảy cái không: Không nói về mình, không xe cộ (suốt đời cuốc bộ), không bao giờ ăn mặc bảnh bao, không nhà đất, không danh hiệu, chức vị, không xu nịnh, cơ hội, không chung chiếu với những kẻ phi nhân cách!”. Nhà thơ Thu Bồn từng nói với ông: “Ông Hoài Anh ơi! Ông tài nhưng kín đáo quá xá! Về tôi, thơ phú thế nào, tiểu thuyết ra sao, bồ bịch nhiều ít, cái gì ông cũng biết. Vậy mà về đời tư của ông, tôi mù tịt, cạy răng ông cũng không nói!”. Hoài Anh không thích nói về mình nhưng ông đã nói về, viết về ít nhất hơn một ngàn nhà văn và viết khá kỹ khoảng hai trăm nhà văn!”.

Hoài Anh tên thật là Trần Trung Phương. Ông có nhiều tác phẩm được tặng giải thưởng của Hội Nhà văn và Hội Nghệ sĩ sân khấu.

- Tác phẩm chính đã xuất bản: Bảy tập thơ, trong đó có hai tập thơ dịch; gần ba chục tiểu thuyết và truyện ngắn; năm tác phẩm nghiên cứu, lý luận phê bình văn học; hàng chục vở kịch. Xác và hồn của tiểu thuyết, biên khảo, NXB Văn học.

- Tác phẩm sắp in: Chân dung người làm văn hóa, NXB Văn học.

Tang lễ nhà thơ Hoài Anh được tổ chức tại Nhà tang lễ TP (25 Lê Quý Đôn). Lễ động quan lúc 7 giờ Chủ nhật 27-3, nhằm ngày 24-2 năm Tân Mão tại Nghĩa trang Củ Chi, TP.HCM

NGUYỄN TÝ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm