Thông tư liên tịch số 03/2016 (về việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của Luật Tố tụng hành chính 2015). Cả hai thông tư này đều có hiệu lực thi hành từ ngày 18-10-2016, đều có quy định về trách nhiệm của VKS trong trường hợp tòa án khởi tố vụ án khi có người vi phạm nội quy phiên tòa.
Theo Điều 234 BLTTDS 2015 và Điều 316 Luật Tố tụng hành chính 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016), người có hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp của tòa án thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị chủ tọa phiên tòa xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định buộc người vi phạm phải rời khỏi phòng xử án. Cơ quan công an có nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa hoặc người có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa thi hành quyết định của chủ tọa phiên tòa về việc buộc rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính người gây rối trật tự tại phiên tòa.
Trường hợp người vi phạm nội quy phiên tòa đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì tòa án có quyền khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố, tòa án phải chuyển cho VKS có thẩm quyền quyết định khởi tố vụ án và tài liệu, chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội. VKS có trách nhiệm xem xét, xử lý theo quy định của BLTTHS.
Theo hai thông tư liên tịch số 02/2016 và số 03/2016 nói trên, sau khi nhận được quyết định khởi tố vụ án và tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội do tòa án gửi, VKS gửi quyết định khởi tố vụ án và tài liệu, chứng cứ đến CQĐT có thẩm quyền để tiến hành điều tra và thông báo cho tòa án biết. Trường hợp quyết định khởi tố vụ án hình sự của tòa án không có căn cứ thì VKS kháng nghị lên tòa án trên một cấp. Việc điều tra vụ án hình sự hoặc giải quyết kháng nghị của VKS được thực hiện theo quy định của BLTTHS và quy định khác của pháp luật có liên quan...