VKS đề nghị hủy án oan vụ phá rừng Phú Quốc

Ngày 19-10, TAND tỉnh Kiên Giang đã xử phúc thẩm lần 2 vụ vợ chồng ông Trần Kiều Hưng (nguyên phó bí thư xã Cửa Cạn, Phú Quốc) bị truy tố về tội hủy hoại rừng. Trước đó, TAND huyện Phú Quốc xử sơ thẩm lần 2 đã tuyên vợ chồng ông Hưng không phạm tội nhưng VKSND huyện kháng nghị.

Chặt phá, đốt cây rừng làm rẫy

Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, theo hồ sơ, năm 1987, được cha cho một thửa đất tại xã Cửa Cạn (Phú Quốc), vợ ông Hưng đã trồng 500 bụi tiêu và một số cây tràm bông vàng. Năm 2010, vợ chồng ông Hưng xin cấp giấy đỏ trên diện tích khoảng 17.000 m2. Năm 2011, UBND huyện Phú Quốc cấp giấy đỏ cho vợ chồng ông Hưng phần diện tích hơn 6.750 m2, gần 10.000 m2 còn lại huyện không công nhận vì nằm trong ranh giới Vườn quốc gia (VQG) Phú Quốc.

Sau đó, vợ chồng ông Hưng thuê người chặt cây rừng làm rẫy. Tháng 11-2011, Trạm kiểm lâm Cửa Cạn phát hiện, lập biên bản đình chỉ vì diện tích chặt phá là đất rừng riêng biệt, không trùng với hai phần đất (được cấp giấy đỏ và không được cấp giấy đỏ) của vợ chồng ông Hưng.

Bị lập biên bản, vợ chồng ông Hưng vẫn tiếp tục thuê người gom đốt cây rừng để trồng khoai mì, dừa. Vì vậy, tháng 9-2012, Hạt Kiểm lâm VQG Phú Quốc đã khởi tố vụ án hủy hoại rừng. Tiếp đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Quốc đã khởi tố vợ chồng ông Hưng về tội này.

CQĐT khám nghiệm hiện trường, xác định 4.042 m2 rừng bị hủy hoại, 179 cây rừng các loại bị chết, trong đó có 87 cây có trữ lượng gỗ hơn 10 m3 tại tiểu khu 81 phân khu phục hồi sinh thái VQG Phú Quốc. CQĐT cùng các cơ quan, ban ngành liên quan nhiều lần tiến hành kiểm tra thực địa tọa độ, vị trí mốc giới, xác định vị trí đất mà hai vợ chồng bị cáo thuê người chặt phá. Theo đó, 4.042 m2 rừng bị hủy hoại này nằm tiếp giáp với phần đất hơn 6.750 m2 đã được cấp giấy đỏ và tiếp giáp với phần đất gần 10.000 m2 không được cấp giấy đỏ của vợ chồng ông Hưng.

Vợ chồng ông Trần Kiều Hưng tại phiên tòa phúc thẩm ngày 19-10. Ảnh: N.NAM

Xử sơ thẩm lần đầu hồi tháng 5-2013, TAND huyện Phú Quốc đã phạt ông Hưng hai năm tù, vợ ông Hưng ba năm tù treo... Tháng 3-2014, TAND tỉnh Kiên Giang xử phúc thẩm lần đầu đã hủy án, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại vì có vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Tháng 11-2015, TAND huyện Phú Quốc xử sơ thẩm lần 2 tuyên vợ chồng ông Hưng không phạm tội. Theo HĐXX, thửa đất 4.042 m2 vợ chồng ông Hưng bị cáo buộc hủy hoại rừng không nằm trong ranh giới VQG Phú Quốc mà nằm trong diện tích hơn 6.750 m2 mà vợ chồng ông được cấp giấy đỏ. Mặt khác, các cột mốc do cơ quan chức năng đi cắm mốc ngoài thực địa dùng để xác định vị trí thửa đất 4.042 m2 này chưa được chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt nên không có giá trị pháp lý.

Tranh cãi về thửa đất chặt phá cây rừng

Mấu chốt gây tranh cãi của vụ án này là thửa đất 4.042 m2 bị chặt phá cây rừng, bị đốt có nằm trong ranh giới VQG Phú Quốc hay không. Nếu nằm trong ranh giới VQG thì các bị cáo có tội và ngược lại.

Trong ngày xét xử hôm qua, tòa phúc thẩm đã dành phần lớn thời gian cho việc xét hỏi vợ chồng ông Hưng cùng đại diện VQG Phú Quốc (nguyên đơn dân sự), UBND huyện Phú Quốc, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện, Sở TN&MT tỉnh (bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) và các nhân chứng.

Vợ chồng ông Hưng và các nhân chứng khai vợ chồng ông Hưng chỉ cho người chặt phá cây trên phần đất hơn 6.750 m2 đã được cấp giấy đỏ mà lâu nay họ vẫn canh tác. Trong khi đó, đại diện VQG và các cơ quan liên quan lại cho rằng thửa đất hai bị cáo cho người chặt phá cây đó không nằm trong diện tích hơn 6.750 m2 đã được cấp giấy đỏ, cũng không nằm trong diện tích gần 10.000 m2 không được cấp giấy đỏ của vợ chồng bị cáo.

Theo đại diện VKS, vợ chồng bị cáo chặt phá cây rừng không thuộc quyền sử dụng đất của mình, đã bị lập biên bản bốn lần nên không thể nhầm lẫn. Đại diện VKS trích dẫn nhiều tờ trình do ông Hưng viết có nội dung là nhận sai khi phá rừng và sẽ khắc phục lại... Đại diện VKS cũng cho rằng phần đất vợ chồng ông Hưng hủy hoại rừng nằm hoàn toàn tách biệt với phần đất được cấp giấy đỏ và phần đất không được cấp giấy đỏ như đã nêu. Từ đó, đại diện VKS khẳng định truy tố vợ chồng bị cáo về tội hủy hoại rừng là có căn cứ và đề nghị tòa phúc thẩm hủy án, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm xử lại theo hướng có tội.

Luật sư của vợ chồng ông Hưng không đồng ý và đưa ra một số điểm lưu ý: Thứ nhất, nếu VKS muốn truy tố hai bị cáo thì phải chứng minh họ chặt phá cây rừng thuộc đất rừng của VQG nhưng ở đây, phần đất rừng của VQG lại chưa được cấp giấy đỏ. Thứ hai, bản đồ mốc cắm ranh của VQG chưa được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt, các mốc ranh trên thực tế có sai lệch nhiều so với bản đồ nhưng không có văn bản của cơ quan chức năng thể hiện việc chỉnh ranh này... Từ đó luật sư đề nghị tòa phúc thẩm y án sơ thẩm.

Tòa phúc thẩm thông báo do vụ án có tính chất phức tạp nên phải nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào 14 giờ ngày 26-10. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

“Vợ chồng bị cáo không phải là trái banh”

“Vợ chồng bị cáo bị coi như một trái banh, bị đá qua đá lại. Vụ án kéo dài năm năm gây bao vất vả, khổ cực cho vợ chồng bị cáo khi cứ phải đi tới đi lui theo các phiên tòa khiến cuộc sống gia đình khó khăn, con cái không có người quan tâm chăm sóc. Bị cáo mong HĐXX xem vợ chồng bị cáo là con người chứ không phải trái banh” - ông Hưng nói lời sau cùng tại phiên tòa.

Còn bà Huỳnh Thị Bích Phượng (vợ ông Hưng) thì bật khóc khi nói về hoàn cảnh gia đình sau năm năm bị cuốn theo vụ án với nhiều phiên xử chưa ngã ngũ và mong HĐXX minh oan cho vợ chồng bà để họ sớm về lo cho con cái.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới