Ngày 19-1, TAND tỉnh Bắc Giang đã mở lại phiên xử sơ thẩm Đặng Thế Vinh (nguyên Trưởng phòng 10 VKSND tỉnh Bắc Giang) và Trần Nhật Luật (nguyên phó trưởng Công an huyện Việt Yên) về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án (khoản 3 Điều 300 BLHS). Vinh và Luật là người đã trực tiếp làm oan ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang (vợ chồng ông Chấn được mời đến tòa với tư cách người làm chứng nhưng đều vắng mặt).
Tự tạo chứng cứ, rút bớt hồ sơ
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, nhận được tin báo về một vụ án mạng tại huyện Việt Yên, CQĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thu giữ dấu vết một bàn chân dính máu, một lưỡi dao nhọn đã mất cán dao.
Tháng 8-2003, CQĐT khởi tố vụ án. Luật được phân công là điều tra viên (ĐTV) thụ lý chính điều tra vụ án. Vinh cũng được phân công kiểm sát điều tra, xét xử.
Các ĐTV lấy mẫu vân chân của 16 nghi can (mẫu của ông Chấn do Luật phụ trách) gửi Phòng Kỹ thuật hình sự để kiểm tra, so sánh, truy nguyên dấu vết. Kết quả giám định 16 vết bàn chân không trùng với vết bàn chân dính máu tại hiện trường. Sau đó cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự thông báo bằng miệng cho các ĐTV biết để không ra quyết định trưng cầu.
Với trách nhiệm là ĐTV thụ lý chính, Luật không báo cáo kết quả giám định cho lãnh đạo mà đi đo kích thước bàn chân của ông Chấn, lập biên bản đưa vào hồ sơ vụ án, làm thay đổi bản chất vụ án. Đây là căn cứ để các cấp tòa kết tội ông Chấn.
Tháng 2-2004, sau khi vụ án kết thúc điều tra, Vinh phúc cung thì ông Chấn kêu oan, tố cáo các ĐTV đánh đập, bức cung. Khi hoàn tất hồ sơ để chuyển sang TAND tỉnh Bắc Giang, Vinh tự ý rút bỏ hai biên bản hỏi cung có nội dung ông Chấn kêu oan và tố cáo các ĐTV bức cung, dùng nhục hình.
Tại phiên xử sơ thẩm của TAND tỉnh, ông Chấn kêu oan, tố cáo bị ép cung nhưng vẫn bị tuyên án tù chung thân.
Trước khi phiên phúc thẩm diễn ra, luật sư của ông Chấn đã nộp cho tòa nhiều chứng cứ chứng minh ông Chấn ngoại phạm. Tuy nhiên, cựu thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội Phạm Tuấn Chiêm (đang được tạm đình chỉ điều tra về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng) đã không nghiên cứu, đánh giá khách quan các chi tiết này. Tại phiên phúc thẩm, ông Chấn tiếp tục kêu oan, có nhiều chứng cứ ngoại phạm… nhưng HĐXX không chấp nhận, tuyên y án sơ thẩm. Thẩm phán Chiêm đã thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định về chức trách, quyền hạn của chủ tọa phiên tòa trong việc đánh giá chứng cứ, vi phạm quy định.
Cựu kiểm sát viên Đặng Thế Vinh tại phiên tòa. Ảnh: T.PHAN
“Đến giờ vẫn không biết ông Chấn oan ở đâu”
Tại phiên xử hôm qua, trong phần xét hỏi, Vinh và Luật đều nói mình không phạm tội.
Luật nói không tham gia khám nghiệm hiện trường, bản thân chỉ là thành viên đội điều tra, tham gia cùng các ĐTV khác. Luật thừa nhận có nghe đồng nghiệp báo cáo thu được vết chân ở hiện trường nhưng không đủ điều kiện giám định. Nhưng việc đề xuất giám định không phải trách nhiệm của Luật. Luật cũng phủ nhận việc in vết chân của ông Chấn đưa vào hồ sơ để xác định hung thủ. “Tôi không lấy vết chân đó làm chứng cứ. CQĐT căn cứ vào hàng loạt chứng cứ khác để buộc tội ông Chấn. Tôi đã làm hết trách nhiệm được giao”.
Luật cho biết “ngay từ phút đầu tiên đã cảm thấy ông Chấn đúng là hung thủ”, đến khi Lý Nguyễn Chung nhận tội giết người thì mới tự hỏi sai chỗ nào. Thậm chí cho đến giờ Luật “cũng chưa biết ông Chấn oan như thế nào bởi các chứng cứ đều rất chuẩn” (?!).
Chủ tọa truy: Vết dấu chân ở hiện trường cực kỳ quan trọng, tại sao là ĐTV chính lại không xem xét kỹ hồ sơ? Luật trả lời: “Tôi không biết được thông tin này”. Chủ tọa tiếp tục chất vấn: Phải chăng khi có dấu vết chân sẽ ảnh hưởng không tốt đến quá trình điều tra nên không trưng cầu giám định? Luật cho hay thời gian đó nhận thức chỉ căn cứ vào các vân tay chứ chưa có việc xem xét vân chân. Luật cũng bác bỏ việc yêu cầu ông Chấn thực hành hành vi giết người nhiều lần cho nhớ, cũng không ép, dọa dẫm ông Chấn phải nhận tội.
Vinh cũng phủ nhận cáo buộc, nói mình không có thù hằn, tư lợi tiêu cực gì trong vụ án này. Khi ông Chấn phản cung, Vinh đã báo lên lãnh đạo, sau đó vào trại tạm giam để phúc cung. Về hai biên bản phúc cung và phản cung không được đưa vào hồ sơ vụ án, Vinh nói khi ra tòa các bên tranh luận công khai, ông Chấn có kêu oan nhưng hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đều không chấp nhận nên việc làm của Vinh... không ảnh hưởng gì.
“Lời khai nhận tội của ông Chấn phù hợp với các tài liệu khác. Tôi có niềm tin ông Chấn phạm tội. Việc đưa hay không đưa không có ý nghĩa để chứng minh ông Chấn phạm tội hay không” - Vinh lý giải. Đối với lời khai ông Chấn bị bức cung, dùng nhục hình, Vinh cho rằng không có cơ sở...
VKS đề nghị chuyển tội danh, xử án treo
Trong phần tranh luận, đại diện VKSND tỉnh Bắc Giang (được VKSND Tối cao ủy quyền công tố) cho rằng không có cơ sở quy kết Luật, Vinh phạm tội làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Theo đại diện VKS, chưa thể kết luận Luật có nhận được thông báo của Phòng Kỹ thuật hình sự về kết quả giám định dấu vân chân mà không báo cáo lãnh đạo để đề xuất trưng cầu giám định như cáo trạng truy tố hay không. Ngoài ra, việc đo, in mẫu dấu chân của ông Chấn đưa vào hồ sơ cũng chưa đủ cơ sở để quy kết Luật phạm tội làm sai lệch hồ sơ.
Về phần Vinh, khi biết ông Chấn phản cung, Vinh đã báo cáo lãnh đạo, đã đưa hai biên bản phúc cung, phản cung lưu vào hồ sơ kiểm sát. Việc không đưa hai biên bản này vào hồ sơ vụ án không phải là nguyên nhân dẫn đến việc ông Chấn bị oan.
Hơn thế, tháng 1-2016, ông Chấn có đơn thể hiện Vinh và Luật không cố ý làm sai lệch hồ sơ mà là do các ĐTV nên xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho hai bị cáo này.
Từ đó, đại diện VKS đề nghị chuyển tội danh với hai bị cáo thành thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và đề nghị HĐXX phạt Vinh 8-10 tháng tù treo, Luật 12-15 tháng tù treo theo khoản 2 Điều 285 BLHS. Các mức án này thấp hơn so với khung hình phạt đại diện VKS đề nghị (tối thiểu ba năm tù) và càng thấp hơn so với khung hình phạt VKSND Tối cao truy tố (tối thiểu bảy năm tù).
Hôm nay, tòa tiếp tục xét xử.
‘Tra hỏi suốt ngày đêm’ Theo đơn tố cáo bức cung, dùng nhục hình của ông Chấn mà chủ tọa công bố tại phiên tòa, các ĐTV đã thay phiên nhau tra hỏi ông Chấn suốt ngày đêm không cho ngủ, bắt phải nhận có hành vi giết nạn nhân. Thậm chí ĐTV vừa tra hỏi vừa cầm búa đinh cán gỗ gí lên đầu và đe dọa. Một trong các ĐTV còn dùng dép đánh vào tai; một số liên tục đi lại, quát tháo, bắt phải nhận tội... Có hôm ĐTV Luật mặt đỏ, sặc mùi rượu tra hỏi và bắt ông Chấn viết đơn tự thú. Khi không nhận tội, ĐTV khóa tay ông Chấn bằng còng số 8 và tra khảo đến trưa mới mở cho ăn trưa. |